Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 (IV)

Nguyễn Văn Lục

ipadreaderSách đi theo người. Vì vậy, sách đã theo người Việt Hải ngoại ra bên ngoài bằng mọi cách. Nhờ đó công việc khôi phục lại cũng đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn giới hạn. Công việc ấy vẫn cần được hà hơi tiếp sức tiếp.
Phần hai: Hiện tình sách báo miền Nam sau 1975 ở hải ngoại
Ngày nay, người ta có nhiều số liệu nói về sự thành công của người Việt nơi xứ người. Theo ông Léon Vandermeersch, cựu giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ, trong bài tựa cuốn sách Việt Nam: Văn Hóa và môi trường Viet Nam: Culture & Environment cho hay: con số năm 1995, người Việt Nam ở hải ngoại nay có 2037 bác sĩ, 16099 trình độ cao học, tiến sĩ và 57862 trinh độ cử nhân(28).
Con số nay có thể tăng thêm ít lắm là một phần ba nữa. Kết quả của quá trình thích ứng và hội nhập thật khả quan và đáng khích lệ.
Tuy nhiên việc duy trì bản sắc văn học miền Nam thì theo một quá trình thụt lùi, càng ngày càng giảm sút, giảm về lượng cũng như phẩm.
Việc khôi phục lại gia tài văn học miền Nam chưa xứng tầm. Còn là những chuyện có tính cách cá nhân, chưa kể đến tính phân lẻ, tính bè phái.
Việc cho tái bản cũng tùy tiện nhằm lợi ích thực tiễn hay lợi nhuận là chính.
Theo Viên Linh, nhiều sách cũ miền Nam nay được in lại ở hải ngoại. Tuy nhiên tác giả của những cuốn sách phần đông vắng mặt. Và ông gọi đó là một nền văn học của những người vắng mặt.
Chân dung tác giả Viên Linh và tạp chí Thời Tập do ông chủ trương trước 1975. Nguồn: http://camvan98.blogspot.ca/
Viên Linh và tạp chí Thời Tập do ông chủ trương trước 1975. Nguồn: http://camvan98.blogspot.ca/
Có những người vắng mặt tạm thời như Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Duyên Anh, Thế Uyên, Tạ Tỵ, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Mộng Giác, Bình Nguyên Lộc, Thảo Trường. (Thảo Trường bị 17 năm tù và khi ở trại cải tạo, ông được chỉ định chăn nuôi một đàn bò. Ông kể lại cảm thấy thích thú với cái nghề mới nảy, vì ít ra ông không phải tiếp xúc với con người. Ra hải ngoại, sau cùng ông chết vì ung thư gan.)
Tuy nhiên, theo Viên Linh có những người vắng mặt vĩnh viễn vì họ đã ra đi trong lao tù cộng sản mà ông gọi là Chiêu Niệm Văn Chương…
Đó là những người như Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Huy Vân, Lê Bá Lăng, Minh Kỳ, Nguyễn Mạnh Côn, tiến sĩ công pháp Quốc tế Nguyễn Ngọc Trụ (bị xử bắn trong trại), Phan Huy Quát, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Thục Vũ, Minh Kỳ Trần Việt Sơn, Trần Khánh Vân, Vũ Ngọc Các.
Hay chết ngoài biển như Chu Tử, Bùi Kim Đĩnh, Trần Đại. Chết trên đường vượt biên bằng đường bộ như nữ sĩ Hồ Điệp, kịch sĩ Khả Năng, bà Phùng Thăng cùng với con gái.
Và hẳn còn những người đã tuẫn tiết khi cộng sản vào xâm chiếm miền Nam như Cụ Trần Chánh Thành, giáo sư Thạch Trung Giả, thi sĩ Trần Việt Hoài, nhà thơ Mạc Ly Châu, ca sĩ Vân Sơn…
Những người này bị lưu đầy và chết vì nhiều lý do, chỉ vì một cái tội duy nhất, tội cầm bút.
Và hẳn còn nhiều người khác mà chúng ta không thể nhớ và biết hết được.
Cho dù tái bản hay in lại thì cũng có một nguyên tắc: phải là một chọn lọc có tính chất kế thừa có tính biện chứng, chỉ giữ lại cái tinh hoa mà thôi. Bởi vì, trước 1975, nhiều tác giả, tác phẩm cũng bị người đọc phủ nhận và không đọc.
Cụ thể, một số truyện dài đăng trên các báo trước 1975 thiếu giá trị nghệ thuật. (Xin trừ trường hợp Lê Xuyên).
Chính vì thế đáng lẽ việc khôi phục lại nền văn học miền Nam ở Hải ngoại tương đối dễ dàng ở thuở ban đầu khi người di dân cần có một món ăn tinh thần. Nhưng cái cũ dù có giá trị – dù đã một thời – dần cũng mất giá trị thời thượng trong môi trường sinh sống mới.
Tham vọng của một số người muốn khôi phục lại toàn vẹn văn học miền Nam là một mơ tưởng. Tham vọng của một vài nhà văn hàng đầu như trường hợp nhà văn Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học của ông chỉ muốn nói tới văn học sáng tác như Truyện ngắn, truyện dài, Tùy Bút, Tạp Bút,Thơ văn, Kịch Nghệ là một tham vọng chệch hướng và phân mảnh.
Gia tài văn học miền Nam là Văn Học nghệ thuật trong đó bao gồm chung các lãnh vực như dịch thuật, biên khảo, trào lưu tư tưởng, lịch sử, triết học, ngôn ngữ học đã bị loại bỏ trong cuốn sách của ông.
Tính phân mảnh trong phê bình văn học là một tội tổ tông. Điều mà Mai Thảo gọi là bọn Vua Lê, Chúa Trịnh. Bọn vua Lê Chúa Trịnh là ai(*). Xin hỏi Mai Thảo. Nhiều người cũng biết như thế, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, coi như không có vấn đề gì.
Trong 20 năm văn học miền Nam, do những biến động chính trị nên cũng có hai thời kỳ văn học: thời kỳ 54-63 yên hàn nên tạm gọi là tính chất văn học thời bình. Từ 1963 trở đi với nhiều biến động chính trị và chiến tranh vào đến cửa ngõ Sài gòn, đó là thời kỳ văn học chiến tranh hay còn gọi là văn học dấn thân, nhập cuộc.
Võ Phiến cũng như nhiều nhà văn lớp trước như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền ở trong một tình thế lưỡng nan, đôi lúc như thể những người ngoài cuộc, nói đúng hơn là bất lực, không đáp ứng được tình thế.
Thế nhưng, một lần nữa, Võ Phiến lại thẳng tay gạt bỏ những ai không đống quan điểm với ông ra khỏi dòng sinh hoạt văn học miền Nam – khỏi dòng chính – không phủ nhận, nhưng cũng không nhắc đến tên tuổi họ mặc dầu chính họ là những nhân chứng thời đại, chính họ là tiếng nói trung thực cho giai đoạn máu lửa đó. Dưới mắt Trần Vũ, khi trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê trong số Hơp Luu 100, số đặc biệt về Mai Thảo. Trần Vũ nhận xét thật đúng: Võ Phiến quá xa cách, quá nghiêm trang, quá đạo mạo, còn Nguyễn Mộng Giác quá lành, cả hai văn tài đều không uống rượu…
Bọn vua Lê, Chúa Trịnh có thể là để chỉ Võ Phiến đấy.
Đó là những người lính trẻ, thế hệ thứ hai, giáp mặt với cái chết, từng ngày, từng giờ. Họ từ những nơi vùng hỏa tuyến gửi thơ văn về thành phố.
Trong số họ có những người may mắn như Phan Nhật Nam, Thảo Trường có tác phẩm in về chiến tranh vì các ông có dịp về thành phố. Còn lại phần đông những người người lính ngoài mặt trận -tính văn nghệ nghiệp dư thời chiến- số phận con người và tác phẩm của họ ra sao. Họ không có tác phẩm được xuất bản nên không được chính thức nhìn nhận, bị bỏ qua, bỏ quên như số phận đời lính sau chiến tranh của họ.
Đến có thể nói đã có một thời có sự quên lảng về mảng Văn học vườn trước đây và nay laị một lần nữa mảng văn học dấn thân thời chiến sau 1963 bị bỏ quên.
Người đại diện cho đám nhà văn gốc kaki này là nhà văn Trần Hoài Thư đang có những nỗ lực tái tạo về cái mảng văn học chiến tranh bi bỏ quên này.
Phần các nhà văn lớp đầu di dân sang Mỹ, khả năng hội nhập gặp nhiều khó khăn, trở ngại về tuổi tác và nhất là hành lý mang theo khà kềnh càng về nếp sống, nếp nghĩ nên rất khó hội nhập như tâm trạng tiêu biểu của các nhà văn như Thanh Nam, Lê Tất Điều.
Họ hội nhập cũng không dễ mà đưa ra một cái gì mới cũng không xong. Hầu như có một sự ngưng trệ, tắc nghẽn, bất động để động não.
Sách bây giờ. Nguồn: OntheNet
Sách bây giờ. Nguồn: OntheNet
Đó là hiện trạng bế tắc sáng tạo hiểu được cũng như sự bế tắc sáng tạo vì những lý do cá nhân như nghiện ngập, suy thoái tinh thần và nhiều nguyên do nội tại khác.
Mai Thảo là người trong cuộc nhìn nhận có sự bế tắc này khi trả lời phỏng vấn Thụy Khuê. Trong số Hợp Lưu 100, ông nhận xét: Hầu như hầu hết mọi người đã chậm, đã ngưng lại.
Câu nói vắn gọi đó chứa đựng tất cả hoàn cảnh nhà văn hải ngoại, trong đó có Mai Thảo.
Trong khi đó trong văn học, người ta thường chỉ đưa ra những nhận xét hoặc đánh giá về vấn đề trì trệ hay phát triển, vấn đề suy thoái hay hưng thịnh của một thời kỳ văn học mà ít chú trọng đến môi trường hay hoàn cảnh địa-chính trị. Nghĩa là thường người ta có thói quen đánh giá thuần túy về bản chất văn học.
Ngày nay người ta hiểu được tại sao lịch sử văn học có những cắm mốc của mỗi thời kỳ văn học.
Khi nói văn học đời Lý, đời Trần là nói đến cái mốc chính trị ảnh hưởng trực tiếp tới văn học. Thịnh suy của chính trị tác động trực tiếp đến thịnh suy văn học.
Không lạ gì những cắm mốc thay đổi về chính trị hay môi trường định hình cho một thời kỳ văn học. Nghĩa là một biến cố đất nước thường kéo theo một biến cố văn học.
Chẳng hạn không có cuộc di cư 1954-1955 khó có có thể nói tới thời kỳ văn học miền Bắc ở trong Nam qua nhóm Sáng tạo với Mai Thảo-Thanh Tâm Tuyền.
Những biến động chính trị hay sự thay đổi một môi trường địa lý, xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến việc sáng tác văn học.
Chẳng hạn sự di chuyển từ ngoài Bắc vào Nam, sự thay đổi khung cảnh chính trị giữa miền Bắc trước 1954 và miền Nam sau 1954, sự thay đổi nếp sống xã hội, phong tục giữa Nam vào Bắc là những lý do khách quan của quy luật xã hội đủ làm ngưng trệ một dòng văn học biến nó trở thành lạc lõng và làm đứt mạch dòng văn học ấy.
Đó là sự phủ nhận của phủ nhận đòi hỏi môt cái gì mới. Mặc dầu cái Mới chưa chắc đã hay hơn cái cũ. Vấn đề chính là phải khác cái cũ. Sự phủ nhận ấy xem ra bội bạc, nhưng nó lại là quy luật của sự phát triển.
Khi có cuộc di cư thì một cách gián tiếp do nhu cầu tiếp cận trực tiếp với các nhà văn miền Bắc, độc giả miền Nam nói chung đã vô tình dẩy lui vào bóng tối một số nhà văn từng nổi tiếng một thời như Thẩm Thệ Hà, Đông Hồ, Quách Tấn, Vi Huyền Đắc ngay cả Vũ Bằng, Tam Lang.
Nếu hiểu như thế, người ta cũng sẽ hiểu được trường hợp Tự Lự Văn Đoàn (TLVĐ) của Nhất Linh. Số đầu tái xuất hiện của Văn hóa Ngày Nay ra ngày 27-6-1958 bán được cả 10.000 số, sau đó lụi tàn dần phải đóng cửa.
Thực tế đã xác định thời cũ chỉ còn là dĩ vãng. Nếp sống, nếp nghĩ đã thay đổi.
Nhưng vấn đề là chỉ cần nhìn nhận Nhất Linh và TLVĐ đã làm trọn nhiệm vụ của họ ở giai đoạn tiền chiến, trước những năm 1946.
Sau 1946, với cường độ chiến tranh như thế, nhóm TLVĐ đã bị lôi cuốn vào những vòng xoáy chính trị và các thành viên của nhóm đã bị tan rã. Đang là những người bạn nay có thể coi nhau như những kẻ thù vì ở hai chiến tuyến khác nhau: Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu ở một phía bên kia. Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng ở phía bên này. Và Khái Hưng là nạn nhân đầu tiên của vòng xoáy chính trị trên.
Theo nhận xét của tôi thì về mặt văn học cũng như chính trị. TLVĐ thật sự đã bị bức tử khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng bắt đầu. Nhưng tôi vẫn trân trọng nhìn nhận nó đã có thời của nó trong dòng sinh mệnh văn học Việt Nam nói chung. Văn chương mà nói thì gọi đó là thời vang bóng…
Thật vậy nhóm TLVĐ đã một thời sáng chói ở miền Bắc, đóng góp lớn lao vào văn học chữ viết vượt xa một đoạn đường giai đoạn thời kỳ văn học báo chí Phạm Quỳnh- Nguyễn Văn Vĩnh và tưởng chừng như không gì thay thế được TLVĐ.
Vậy mà khi vào đến miền Nam, Nhất Linh – một mình một chợ- dù có các thế hệ trẻ nối tiếp, tưởng rằng có thể nối tiếp dòng văn học của nhóm TLVĐ như thuở nào. Nó đã mau chóng trở thành một thất vọng đối với người đọc và một nỗi thất bại cho cá nhân Nhất Linh và của chung nhóm TLVĐ. Và miền Nam cuối cùng trở thành mảnh đất tá túc tạm dung cho Nhất Linh những ngày còn lại.
Rõ ràng miến Nam là mảnh đất tự do cho bất cứ ai muốn thi thố tài năng của mình. Nhưng cái giá phải trả của Nhất Linh là khơi lại một dòng văn học cũ trong khi Người đọc đòi hỏi ở ông một cái gì mới.
Nói đúng ra nó đòi hỏi sự sáng tạo, cái Mới. Bản chất của văn học là sáng tạo. Cái cũ là kẻ thù của văn học.
Nhất Linh đã không đáp ứng được điều đó và vì thế không có gì là ngạc nhiên khi người ta đổ xô đi tìm đọc tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. Nói như thế, không có nghĩa tôi tán tụng nhóm Sáng Tạo và Mai Thảo.
Câu chuyện của TLVĐ cũng là câu chuyện của người Việt hải ngoại hôm nay. Nhưng dòng văn học miền Nam chuyên chở sang Bắc Mỹ ở trong trong một bối cảnh phức tạp bội phần về mặt chính trị, xã hội, địa lý.
Các nhà văn may mắn sang được Mỹ ngay từ những năm 1975 như Võ Phiến, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Lê Tất Điều, Nguyễn Hoàng Đoan đều là những người có lòng với văn học miền Nam. Họ đã nghĩ ngay đến việc viết lách và cùng nhau lập ra tờ Hồn Việt như bước khởi đầu. Và từ đó báo chí được phát triển khắp nơi, bất cứ nơi nào có người Việt trú ngụ.
Mảnh đất tạm dung lúc đầu xem ra có đủ các yếu tố khách quan để giúp một nhà văn sáng tác, viết truyện. Khung cảnh chính trị tự do, tiền bạc xem ra thong thả hơn là thời kỳ trong nước. Trước đây phải chật vật viết mỗi ngày hai ba truyện dài trên các báo để kiếm sống.
Đề tài viết cũng không thiếu, nhất là những đề tài về miền Nam cũ, về nỗi nhớ và về những kỷ niệm khó quên về con người và những vùng đất nước thân yêu, về sự thù ghét chế độ chính cộng sản. Điều kiện có thể có tất cả, nhưng cái thiếu là sự sáng tạo trong môi trường mới.
Nghẽn mạch. Tranh: Campbell
Nghẽn mạch. Tranh: Campbell
Tất cả những tình trạng trên có thể đi đến một tóm tắt: Đó là sự bế tắc của nhà văn (writer’s block) Một sự bế tắc mà đôi khi chính nhà văn cũng không hiểu lý do tại sao mình không viết được nữa như một sự nghẽn mạch. Và đôi khi đó là nỗi khốn khổ lớn nhất của một người cầm bút.
Nguyên do của sự bế tắc có thể từ bên ngoài như chúng ta vừa trình bày ở trên mà còn có thể do những động lực bên trong về tâm sinh lý, về thần kinh, về não bộ, về chứng trầm cảm, tình trạng suy tinh thần và chứng nghiện ngập như nghiện á phiện, nghiện rượu.
Khi đặt ra những vấn đề này để nói về sự ‘bế tắc’ của một nhà văn thì có nhiều người có thói quen nhiễm tính là không cho phép bất cứ ai được đụng đến các ‘đỉnh cao văn học’. Đụng đến thần tượng là đụng đến họ. Họ sẽ không tha thứ và đáp trả một cách thấp kém.
Như trường hợp Mai Thảo, Nhất Linh, tôi đều xếp vào trường hợp có vấn đề vì nghiện rượu.
Phải để chính Trần Vũ nhận xét một cách sắc bén và trung thực về Mai Thảo, trong đó không thiếu phần trân trọng của một nhà văn trẻ. Ông viết:
“Nhưng khi đi uống rượu với Mai Thảo, tôi có cảm giác đi uống rượu với phu huyệt, sau xẻng đất, sau cốc rượu, bảo những hồn ma cũ Huyệt đã chôn rồi lấp đất xong. Thơ Mai Thảo rờn rợn, những giấc ngủ đen, những hồn ma thức giấc gây thành dông bão, của thần chết đã trở thành bạn, ngồi trên giường.(…) Mùa thu 96, tôi gặp ông lần chót. Ông nằm im trong căn phòng không bật đèn. Đôi mắt nhìn trừng trừng lên trần. Ông không động đậy. Ông giống một xác chết. Tôi nhận ra tức khắc, tôi đang nhìn ra một di vật. Thời đại ông đã đi qua. Thời đại ông biến mất… Sách ông bị tiêu hủy. Bạn bè ông quá vãng. Ông tồn tại di vật. Phải mất mấy phút, tôi mới cất được tiếng chào ông: ‘Cháu đến thăm bác’. Ông gật đầu. Căn phòng trống, chỉ còn một cái tủ lạnh còn sự sống, còn nước đá, còn tiếng máy chạy rù rì. (…) Có lần ông nói đùa: “Em phải để cái ly nó nghỉ.”
Cuối năm 96, ông bất động: nhìn trừng trừng lên trần vào một chỗ duy nhất. Ngõ hẻm Song Long xế chiều tắt nắng, chúng tôi trò chuyện trong bóng âm.
Điều gì khiến tôi nhớ nhất? Nét buồn bã là điều tôi nhớ nhất. Gương mặt ông buồn. Chỉ cần Mai Thảo xuất hiện, sự cô đơn vây lấy mọi người, lấm tràn sang mọi người. Ông ngồi đó, im lặng, rồi ra về.
Tôi hỏi về Nhất Linh, Mai Thảo nói: Tôi xem cái chết ấy là uổng phí. Vì sao phải chết như vậy. Ông ta có cả một sự nghiệp và còn cả một sự nghiệp chưa hoàn thành.
Đọc xong đoạn trích dẫn trên, không thể không buồn. Và nếu ta chỉ cần đổi tên Mai Thảo ra tên Nhất Linh thì câu chuyện cũng chỉ là câu chuyện của một người.
Tác dụng của rượu đã ảnh hưởng tới tình trạng tinh thần của Mai Thảo cũng như Nhất Linh. Rất tiếc, tôi không có tài nhận xét sắc sảo như Trần Vũ nên bị vài người đả kích khi viết về tình trạng tâm thần của Nhất Linh.
Nhận xét như thế sẽ trở thành thông thường nếu ta nêu ra những trường hợp các nhà văn ngoại quốc như ở Mỹ và chẳng một ai thấy thế là một xúc phạm ngay cả đến những nhà văn đã từng được giải thưởng Nobel như Hemingway.
Khi nói Hemingway say rượu rồi mắc chứng trầm cảm rồi tự kết liễu cuộc sống của mình bằng chính viên đạn súng săn của ông. Không ai trách những nhận xét có thực về Hemingway cả.
Vài trong nhiều nhà văn, nhà thơ nghiện rượu tiêu biểu.  Nguồn: DCVOnline tổng hợp.
Vài trong nhiều nhà văn, nhà thơ nghiện rượu tiêu biểu. Nguồn: DCVOnline tổng hợp.
Và còn bao nhiêu tên tuổi khác như Truman Capote, William Faulkner, John Steinbeck, John O’Hara, Carson, McCullers, F. Scott Fitzgerald, v.v.
Nhưng nhà văn Nhất Linh cũng ở trong trường hợp bệnh lý trầm trọng như các nhà văn nổi tiếng thế giới trên thì hầu như có sự cấm kỵ, không được phép nói đến.
Nói cho cùng thì Nhất Linh là nạn nhân không phải từ những nhận xét về tình trạng bệnh lý mà tôi đã viết về ông mà từ những kẻ tôn sùng ông. Tôi gọi đó là tình trạng cực đoan trong văn học.
Nếu ngưới ta không nên đùa giỡn’ ‘với niềm tin tôn giáo khác thì cũng một lẽ ấy, kính nhi viễn chi với những chệch hướng trong văn học.
Có lẽ lý do chính yếu là ở Việt Nam thiếu một không khí phê bình văn học, hay chỉ có một thứ phê bình văn học được chấp nhận là ‘áo thụng vái nhau’. Duy Lam trước đây đã diễu Sáng Tạo về cái cảnh tượng soi gương chỉ thấy mình. Cái cảnh ấy có thể áp dụng cho nhiều nhà văn khác.
Và nếu chịu đọc, nếu chịu tìm hiểu sinh hoạt nghệ thuật thế giới, người ta có thể tìm ra hàng trăm nhà văn vì lý do này, lý do khác đã ngưng sáng tác, bị bế tắc.
Ngày nay chỉ vào Google bấm tên những nhà văn tôi vừa kể trên, người đọc sẽ biết sự thật nó nằm ở chỗ nào. Và khi đó sẽ dễ dàng thông thoáng chấp nhận những phê phán và bớt được tính nóng giận hẹp hòi khi có ai nói khác, suy nghĩ khác mình.
Trong số bảy nhà văn Hoa Kỳ được giải thưởng Nobel văn chương thì có đến 5 người nghiện rượu và đôi khi cuối cùng đã kết thúc cuộc đời của họ một cách bi kịch.
Uống rượu làm cho người ta rơi vào tình trạng buồn, càng buồn càng uống. Lấy cái say, cái tỉnh để viết văn có thể là một tai hại cho văn học. Người nghiện rượu làm nhà văn đôi khi chệch hướng, tai hại chả kém gì người say rượu lái xe trên xa lộ.
 (Còn tiếp)
Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trong Thư Quán Bản Thảo, số 63 Tháng 2-2015. Trang 283-356. DCVOnline minh họa.
Tài Liệu Tham Khảo:
(28) Léon Vandermeersch, Preface, Vietnam: Văn Hóa và Môi trường, Lê Hữu Mục, Thái Công Tụng,, Viện Việt Học, 2012.
DCVOnline: (*)
[…]
Thụy Khuê: Bọn vua Lê chúa Trịnh là ai?
Mai Thảo: Miền Trung.
Thụy Khuê: Tại sao?
Mai Thảo:  Tại vì họ không có bản chất để hiểu.
Thụy Khuê: Nhưng họ có đọc các anh không?
Mai Thảo: Đọc mà không vào thì sao?
[…]
Trích Thụy Khuê, Lần trò chuyện cuối cùng với Mai Thảo. Tháng 7 năm 1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét