Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 (II)

Nguyễn Văn Lục

baomnNgười thứ hai là sản phẩm đặc trưng của miền Bắc- giáo sư Trần Trọng Đăng Đàn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa Học Xã hội với nhiều tác phẩm trong nhiều thời kỳ liên tục như: Nọc độc văn học thực dân mới, tập I, 1983, tập II, 1987…
Văn hóa Văn nghệ.. . Nam Viejt Nam. Nguồn: OntheNet
Văn hóa, Văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại miền Nam. Nguồn: OntheNet
…Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-1975, tập I, 1988, tập II, 1991. Và cuốn sách chủ yếu của ông là cuốn Văn Hóa, Văn Nghệ, phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại miền Nam 1954-1975 (1990). Sách này còn được in lại năm 2000.
Cho đến hiện nay, cho đến năm 2000, chính sách khủng bố mang tính nhà nước vẫn còn được chính thức lưu truyền trong nhà trường và nơi giới truyền thông. Cho nên, chúng ta cần phân biệt rõ rệt giữa chính sách của nhà nước cộng sản và thái độ của các nhà văn miền Bắc về chính sách ấy.
Có những chuyển biến rõ ràng về phía các nhà văn miền Bắc, nhưng ngược lại nó lại tỏ ra trì trệ và quá cứng nhắc về phía chính quyền cộng sản ở mặt cơ chế. Vì thế cho đến nay, năm 2015, tôi đã nhìn thấy một số chuyển biến tích cực ở bình diện cá nhân hơn là ở bình diện chính sách nhà nước.
Sự chuyển biến nơi các nhà văn từng hùa theo chính sách của nhà nước cộng sản diễn biến như sau:
* Thứ nhất là sự phủ nhận chính những tác phẩm của chính mình.
Sự phủ nhận chính mình là điều không dễ. Người ta thường cố bảo vệ những điều đã viết ra, dù sau này biết rằng những nhận thức của mình có thể đã lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Có những cái chỉ đúng cho một thời kỳ mà trở thành tai hại ở thời kỳ khác.
Vì thế, sự thay đổi, sự chuyển biến tư tưởng thường mang tính biện chứng trong tri thức luận cũng như trong nhận thức của đời thường. Chuyển biến nơi các nhà văn này có chiều hướng vượt rào, tiến bộ. Và đôi khi cần được hiểu rằng không ai trung thành với chính mình ở chính lúc mà người ta thay đổi.
Vì thế, thay đổi là biểu hiện của sự trung thành hơn là một phản bội.
Và nay nhiều nhà văn đã có thái độ chuyển biến tư tưởng mà không do bất cứ một thúc ép bắt nguồn từ quyền bính chính trị nào. Nhưng là do một thúc bách đòi hỏi của sự thật, của lương tri và lẽ phải.
Tôi cũng xác tín rằng không chỉ có vài nhà văn nêu tên sau đây đã xoay chuyển cách nhìn và đánh giá văn học miền Nam mà còn nhiều ngươi khác không nói ra thôi.
Lữ Phương đã kín đáo, thầm lặng loại bỏ cuốn Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của Đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam ra khỏi danh sách các sách của ông. Đỗ Đức Hiếu cũng một cách nào đó không muốn nhắc đến cuốn Phê Phán Văn học hiện sinh chủ nghĩa. Lê Đình Ky cũng đã dứt khoát không đưa cuốn Nhìn lại tư tưởng Văn nghệ thời Mỹ Ngụy vào danh sách các tác phẩm đã in của ông.
Bảo Ninh, tác giả Nỗi Buồn Chiến Tranh và trong cuốn Hà Nội lúc không giờ, trong đó có chuyện ngắn Rửa tay gác kiếm đã miệt thị các nhà văn miền Nam khi cho rằng, các tác phẩm của họ chỉ dùng làm giấy đi cầu như trường hợp Chu Tử, Xuân Vũ v.v.(12). Nhưng sau này theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể lại trong bài phỏng vấn của Thụy Khuê, ông có đưa cuốn Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam cho Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu đọc. Cả hai đều nhìn nhận rất trân trọng, kính nể Phan Nhật Nam. Riêng Bảo Ninh sau khi đọc Dấu binh lửa của Phan Nhật Nam xong thì tiếc rằng:
“Nếu tôi có cơ hội được đọc cuốn này trước thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi. Và những cuốn sách viết về Chiến tranh như Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam mà bọn tôi đọc thì không thể quên nổi và ở chỗ đó, nó cho thấy sự cần thiết về sự đóng góp của văn học miền Nam của một thời.”(13)
Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng những việc họ bắt buộc phải lên gân chửi văn học miền Nam trước đây có thể chỉ là hùa theo chính sách, không nói không được. Nó giống như cái cảnh tượng một người cán bộ đi dự một buổi mít tinh mà nhà nước đưa mấy phi công Mỹ ra đi diễn hành để cho dân chúng tha hồ chửi, đánh cũng có. Anh cán bộ nhà văn bắt buộc làm theo đám đông, anh cũng giả vờ dơ tay đánh dứ người phi công Mỹ đi qua… để che mắt người khác.
Nghĩa là giả vờ chửi. Hay nói cho cùng, các nhà văn miền Bắc đôi khi bất đắc dĩ phải chửi Nhân Văn Giai Phẩm, chửi văn học miền Nam là đồi trụy Mỹ-Ngụy – một cách thức như chửi thuê vì miếng cơm manh áo.
Đây là một điều chúng ta cần chia sẻ với một số nhà văn miền Bắc.
Hiểu hoàn cảnh các nhà văn miền Bắc như thế nên khi tôi đọc Trần Văn Giàu viết trong cuốn Nhận Định về cuốn Nhận Định của Nguyễn Văn Trung, tôi không tức giận, vì tôi có cảm tưởng ông chỉ giả vờ chửi Nguyễn Văn Trung mà điều chính yếu chính là ông Trần Văn Giàu muốn gián tiếp trình bày toàn bộ triết học hiện sinh theo cách của Nguyễn Văn Trung.(14)
Người ta cũng sẽ có một cảm tưởng tương tự khi đọc Lê Đình Ky. Ông cũng đã dành phần lớn bài viết của mình viết về triết lý hiện sinh ở miền Nam do Nguyễn Văn Trung chủ trương.
Nói tắt một lời chửi mà thực sự không phải là chửi. Nhưng dùng cơ hội chửi đó để triển khai một đề tài triết học mà các ông tâm đắc.
Ngoài những người trực tiếp phê phán văn học Mỹ Ngụy ở trên, còn có một số nhà văn ở miền Bắc, bằng cách kín đáo, họ bày tỏ một sự trân trọng và quý mến các nhà văn miền Nam. Theo ý kiến của Vương Trí Nhàn thì sau 1954, các nhà văn miền Bắc ít có cơ hội đọc sách vở của miền Nam. Tuy nhiên những nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Thanh Long, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu hay lớp trẻ hơn như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt hay Trúc Thông đã lặng lẽ tìm kiếm các sách, tài liệu miền Nam để đọc.(15)
Bên cạnh đó, các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc cũng có cái nhìn chia xẻ về văn học miền Nam như vậy.
Phần chúng tôi, những người miền Nam được may mắn sống trong một chế độ cởi mở hơn, chúng tôi có nhiều cơ hội được tự do tìm đọc thơ Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, đọc các chuyện của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, v.v.
Riêng trường hợp Nam Cao, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dùng truyện Chí Phèo làm đề tài nghiên cứu văn học ở Đại Học văn khoa Sài gòn. Trần văn Toàn (vừa quá vãng) đã khệ nệ bê nguyên con triết học Karl Marx-Hegel công khai vào giảng đường Văn Khoa Sài Gòn cho thấy sự tự trị đại học ở miền Nam như thế nào.
Sự phân biệt giữa chính trị và văn hóa đem lại cái lợi thế và cái may mắn cho những người sống ở miền Nam hơn ở miền Bắc.
Đó là điều phải nhìn nhận sự khác biệt về thể chế chính trị đã đem đến hai dạng thức văn học: Văn Học miền Nam mang tính tự do, nhân bản, cái tình con người. Văn học miền Bắc mục đích cổ xúy cho một ý thức hệ, tuyên truyền nên vì thiếu sự trung thực của người cầm bút. Có thể có những tác phẩm ở miền Bắc kín đáo phá rào, muốn thâm kín bày tỏ một điều gì. Nhưng thật là hiếm hoi để được nhìn nhận.
* Thứ hai, việc cho xuất bản lại các tác giả trước 1975 là một dấu hiệu tốt bắt đầu.
Trong cái tinh thần muốn tìm về quá khứ, muốn vượt qua những hàng rào cản vướng mắc ngăn chặn của một quá khứ cay nghiệt, tôi đã tìm và mua được một số sách triết học trước 1975 được in lại sau 1975 như các cuốn: Martin Heidegger, Tư tưởng và hiện đại của Bùi Giáng, các bộ Lịch sử Triết Học Tây Phương của Lê Tôn Nghiêm, nhất là cuốn Triết Học Hiện sinh của Trần Thái Đỉnh.
Về sách Văn Học, cuốn 13 năm tranh luận văn học, gồm 3 tập của Thanh Lãng đã được in lại (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1997 gồm bốn tập). Tạp chí Tri Tân, 1941-1945, Phê Bình Văn Học cũng đã được Nhà xuất bản Nội Nhà Văn cho in lại.
Mặc dầu không thuộc di sản tinh thần của 20 năm Văn học miền Nam, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế đã cho in lại 4 tập Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue, 1914-1944, một công trình biên khảo kéo dài trong suốt 30 năm trời do học giả L. Cadière làm chủ bút. Cũng nhà xuất bản này đã cho in lại bộ Đại Nam liệt truyện thuộc Quốc Sử Giám triều Nguyễn.
Chúng tôi cũng ghi nhận sự cố gắng của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội đã cho in bốn tập, dày hàng mấy ngàn trang, 296 Tinh Tuyển Văn học Việt Nam, cũng dày khỏang hơn 4000 trang, in giấy mỏng, bìa cứng.
Và mới đây, cuốn Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung đã được xuất bản vào cuối năm 2014. Cuốn sách Lục Châu Học nhằm trả lại vị trí xứng tầm của một mảnh văn học miền Nam thường bị bỏ quên và bỏ qua trong suốt cả một thế kỷ dưới thời Pháp thuộc.
Tôi cũng ghi nhận một cách ngạc nhiên việc tái xuất bản các sách của Phạm Quỳnh như 10 ngày ở Huế - Luận giải văn học và triết học – Thượng chi văn tập, v.v. Và cũng một cách thức như vậy, các tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng cũng tùy theo cuốn đã được tái xuất bản v.v…
Mặc dầu chỉ là thơ, Mê Hồn Ca của thi sĩ Đinh Hùng cũng như Mặc Khách Saigòn của Tô Kiều Ngân đã có dịp xuất hiện trên các kệ sách ở Sài Gòn.
Ngoài ra họ đã cho tái bản sách Nguyễn Hiến Lê, đặc biệt cuốn Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê do nxb TP. Hồ Chí Minh tái bản. Một điều ghi nhận là cuốn sách được tái bản trong nước và cũng được in lại hải ngoại thì một bên để nguyên, một bên đã được cắt xén.
Chúng ta đọc lại Lời Nhà Xuất Bản để thấy rõ một chút tâm địa của họ:
‘Không phải là người cách mạng, là nhà văn cách mạng, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng không phải là nhà văn của chế độ cũ, mặc dầu ông sống giữa lòng xã hội ấy mấy chục năm. Một lần nữa Nguyễn Hiến Lê lại ở giữa lằn ranh của nhân cách và phi nhân cách. Có người cho rằng ông đi giữa hai lằn đạn. Và một lần nữa ông đã tỏ ra bản lĩnh vững vàng trước sau ông vẩn giữ được nhân cách của mình’.(16)
Chả nhẽ, tôi lại đi đôi co về vấn đề nhà văn miền Nam và nhà văn miền Bắc, ai là loại người phi nhân cách. Khi còn sống, thời VNCH Nguyễn Hiến Lê tỏ ra bực tức vì sách bị kiểm duyệt. Nhưng khi ông chết, sách được tái bản, nhưng với lời nhà xuất bản như sau:
“Vì tác giả đã mất. Nhà xuất bản không nỡ cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập, chúng tôi chỉ luợc bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm.”(17)
Ai cho họ cái quyền được cắt và không cắt?
Ngoài ra, sách của Sơn Nam vốn là người có cảm tình với phía bên kia nên hầu như hầu hết các tác phẩm của ông trước 1975 đều được cho tái bản. (18). Riêng cuốn Hồi Ký Sơn Nam gồm ba tập là: Từ U Minh đến Cần ThơỞ chiến khu 9. 20 năm giữa lòng đô thị. Bình An. Giọng điệu xem ra sắt máu rẻ tiền, báng bổ, ngôn ngữ tuyên truyền không có vẻ gì là Sơn Nam- Nhà văn miệt vườn- của một thời. Với cuốn Hồi ký Sơn Nam này, năm 2005, ai còn trân quý Sơn Nam sẽ thất vọng về ông không ít.
Vương Hồng Sển với Sách Hơn nửa đời hư cũng được trân trọng tái bản.
Cái đặc biệt trong những cái đặc biệt là một vài cuốn sách sử của Tạ Trí Đại Trường như: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1871-1802 hay: Người lính thuộc địa Nam Kỳ cũng được tái xuất bản.
Nhà văn thì có thể mới có Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mộng Giác mà khi sách của Dương Nghiễm Mậu được in ra đã gây một vài tiếng ồn ào, bất bình. Đặc biệt từ phía nhà văn nằm vùng ở miền Nam, ông Vũ Hạnh.
Tuy nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ là tác giả phải về Việt Nam và có mặt trong dịp ra mắt sách như trường hợp Du Tử Lê khi ra mắt tập thơ của ông… Nhiều người đã lên tiếng phê phán, miệt thị ông nặng nề.
Ngoài ra, cũng như trước 1975, hiện nay có hiện tượng sách dịch chiếm hai phần ba thị trường sách của Việt Nam. Tuy nhiên, phẩm chất cũng như việc chọn lựa các sách dịch này trước 1975 phải nói tương đối khá. Khá vì trình độ sinh ngữ cao dịch khá theo nguyên bản, khá vì chọn lựa các đầu sách có giá trị.(19) Hiện nay sách dịch ở Việt Nam số lượng rất nhiều, nhưng rất xô bồ, nhằm mục đích thương mại hơn là giá trị nghệ thuật. Người dịch thường thiếu trình độ ngôn ngữ và thiếu cả trình độ kiến thức.
Có nhiều cuốn sách dịch trước 1975 cũng được tái xuất bản. Nhưng có những cuốn có giá trị được phiên dịch công phu như các cuốn L’etranger của Camus và cuốn Le petit prince của ST. Exupery, dịch trước 1975 nay lại mất công dịch lại. Dịch lại để lảm gì, có gì bảo đảm dịch hay hơn, chuẩn xác hơn hay là chỉ nhằm ăn cắp bản dịch cũ.
Tuy nhiên, trong những cuốn sách được tái xuất bản mà tôi tâm đắc và thích thú hơn cả là cuốn Việt Nam Văn học sử, giản ước tân biên, gồm ba tập của giáo sư Phạm Thế Ngũ.
Nếu về Sử học, tôi xin chọn cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim như tiêu biểu thì về văn học, xin chọn sách Việt Nam Văn Học Sử của Phạm Thế Ngũ.
Việc tìm kiếm số sách miền Nam được in lại, tái xuất bản người viết bài này không có điều kiện để cập nhật cho đủ, xin ghi lại trong chừng mực có thể mà không dám nói là đầy đủ.
* Thứ ba, việc bảo tồn sách cũ miền Nam do một thiểu số những người có lòng với sách, phần lớn còn lại là những người buôn sách
Nhà sách Khai Trí Saigon. Nguồn: OntheNet
Nhà sách Khai Trí Saigon. Nguồn: OntheNet
Có lẽ người có lòng nhất với sách vở miền Nam là ông Khai Trí. Từ người bán sách lẻ lề dường, ông xây dựng nên cơ nghiệp là nhà sách Khai Trí, số 60- 62 đường Lê Lợi. Tôi đã đứng bên kia đường Lê Lợi sau 1975 để chứng kiến cảnh hôi sách, đốt sách của nhà Khai Trí. Cảnh tưởng ấy còn như in vào đầu tôi. Sách của nhà Khai Trí vứt tung tóe, bừa bãi trên mặt đường phố Lê Lợi trong nỗi bất lực của nhiểu người miền Nam… cách đây gần 40 năm.
Tôi không biết lúc bấy giờ ông Khai Trí đứng ở đâu… Nhưng cái cảnh ấy nó bộc lộ hết cái bản chất bạo tàn của những kẻ chiến thắng.
Khi cơ sở nhà sách Khai Trí bị tịch thâu. Theo nhà văn Nhật Tiến, một lần nữa, ông Khai Trí lại ra ngồi lề đường, trải một tấm nhựa ni lông bán vài cuốn sách thiếu nhi còn sót lại.
Đây lại là một hoạt cảnh đau lòng và ngược đời bầy ra trước mắt. Từ một chủ nhân bề thế, uy tín mà trong kho chứa hàng triệu cuốn sách, nay ông trở thành người bán sách dạo đầu đường.
Cảnh tượng này giúp ta nhớ lại như hoạt cảnh đấu tố trong Cải cách ruộng đất.
Sau đó ông bị bắt, đi tù, rồi sau cùng ra hải ngoại. Cũng vì có lòng với sách vở miền Nam, năm 1995, ông trở về Việt Nam với mộng ước lớn. xây dựng lại sự nghiệp. Nhưng ước mơ của ông đã không thành. Vậy mà khi ông mất, nhà nước không quên vinh danh ông và ngay cả đặt cả một tên đường mang tên ông tại một phố nhỏ.
Ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương với kho sách của ông, ở những năm cuối đời. Nguồn: Nguyên Ngọc Chính.
Ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương với kho sách của ông, ở những năm cuối đời. Nguồn: Nguyên Ngọc Chính.
Những điều nghịch cảnh như thế chỉ có thể xảy ra trong một nước XHCN.
Sau này, nhà văn Nhật Tiến đã dành cả nửa cuốn sách để viết về ông Khai Trí.(20)
Trong đám ma ông Khai Trí, cụ Toan Ánh lúc đó 91 tuổi đã than thở: Tại sao mình sống lâu như thế, ông Khai Trí mới 80 tuổi.
Cuộc đời của ông Khai Trí mang ý nghĩa tiêu biểu nhất về thân phận con người gắn liền với thân phận sách vở báo chí văn học miền Nam cũng như thân phận một người có lòng với chữ nghĩa là ông Khai Trí.(21)
Mặc dầu như chúng ta biết có khoảng 180 chục triệu cuốn sách đủ loại ở miền Nam nằm trong vùng định chế sách bị tiêu hủy, vẫn có một số không nhỏ số sách trên thoát nạn do sự cất dấu của một số người có lòng với văn học và do cả óc trục lợi của một số người.
Dù cho có trục lợi đi nữa thì cũng vẫn là một điều đáng làm vì gián tiếp giúp cho sinh mệnh chữ nghĩa miền Nam vẫn có cơ hội sống lại.
 (Còn tiếp)

Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trong Thư Quán Bản Thảo, số 63 Tháng 2-2015. Trang 283-356. DCVOnline minh họa.
Tài Liệu Tham Khảo:
(12) Trích Bảo Ninh, Hà Nội lúc không giờ, trang 83, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002.
(13) Thụy Khuê: Văn Học miền Nam 1954-75 theo cách nhìn của Vương Trí Nhàn hôm nay. RFI, ngày 14 và 21-6-2008
(14) Sau 1975, ông vào miền Nam, tìm gặp Nguyễn Văn Trung và thú nhận lúc đó phải viết như vậy chứ không có ác ý gì…
(15) Trích phỏng vấn của Thụy Khuê, Ibid
(16) Trích Hồi Ký của Nguyễn Hiến Lê, Lời của nhà xuất bản, trang 7
(17) Trích Hồi Ký Ibid, trang9
(18) Sách của Sơn Nam như Hương rừng Cà Mâu, Bến Nghé, xưa, Đất Gia Định xưa, Cá tính miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Nét sinh hoạt xưa, Người Saigon. Phần Vương Hồng Sển thì có cuốn Tiếng nói miền Nam, Khám lớn Sài gòn cũng được tái bản.
(19) Xem thêm Nguyễn Văn Lục, 20 năm sách dịch miền Nam Việt Nam
(20) Nhật Tiến, Một thời như thế.
(21) Xin đọc thêm bài viết của tác giả nhan đề Sách cũ miền Nam, có đề cập đến trường hợp ông Khai Trí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét