Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Hướng Tới Một Trật Tự Cho Châu Á: Đối Đầu Hay Đối Tác? (Phần 2)

Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm dịch
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai trụ cốt thiết yếu cho một trật tự của thế giới. Điểm đáng chú ý là cả hai nước cùng thể hiện trong lịch sử một thái độ nước đôi để hướng tới một hệ thống quốc tế mà hiện nay họ đem lại sự ổn định, bằng cách là họ xác định những kết ước cho hệ thống này, ngay cả khi họ dành quyền xét đoán những khía cạnh của việc phác thảo. Khi Trung Quốc được yêu cầu phải đóng một vai trò như là một quốc gia chủ chốt trong số các quốc gia khác cho một trật tự của thế kỷ XXI, họ không có tiền lệ cho vai trò này như một quốc gia quan trọng trong số các quốc gia khác. Hoa Kỳ cũng không có kinh nghiệm trong việc tương tác với Trung Quốc dựa trên cơ sở lâu dài, một nước có cùng trong một tầm vóc tương tự, khả năng gây ảnh hưởng và thánh tựu kinh tế, mà Trung Quốc có những mô hình về trật tự quốc nội hoàn toàn dị biệt.
Các nền tảng chính trị và văn hoá của hai phiá khác biệt nhau trong các khía cạnh quan trọng. Đường lối của Hoa Kỳ hướng về chính sách là thực tiễn; phương sách của Trung Quốc dựa theo khái niệm. Hoa Kỳ không hề có một lân quốc hùng mạnh nào đe doạ; Trung Quốc không hề có một kẻ nghịch thù hùng mạnh nào ngay biên giới. Người Mỹ cho là mỗi một vấn đề đều có giải pháp; người Hoa nghĩ rằng mỗi một giải pháp là một cơ hội mở ra thêm một loạt vấn đề mới. Người Mỹ tìm kết quả đáp ứng với tình hình trước mắt; người Hoa tập trung giải quyết trên sự thay đổi tuần tự tiến hoá. Người Mỹ phác thảo một chương trình nghị sự với các đề mục thực tiễn “có thế chuyển giao được“ cho đối tác; Người Hoa đề ra những nguyên tắc tổng quát và phân tích tìm ra ở đâu họ sẽ lãnh đạo. Suy nghĩ của nguời Hoa một phần định hình do chủ nghĩa Cộng sản, nhưng bao gồm cả cách suy nghĩ theo truyển thống của Trung Quốc đến một mức độ mà nó ngày một gia tăng. Cả hai điểm này không nằm trong trực giác quen thuộc của người Mỹ.
Trong lịch sử của hai nước, chỉ mới gần đây, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tham gia toàn diện trong một hệ thống quốc tế của các quốc gia có chủ quyền. Trung Quốc tin rằng mình là độc tôn và hàm chứa chủ yếu là có một thực tại riêng biệt. Hoa Kỳ cũng thế, cũng tự coi mình là độc nhất - có nghĩa là “một ngoại lệ“ -. nhưng với một nghĩa vụ đạo đức để hỗ trợ cho giá trị này khắp thế giới với nhiều lý do ngoài phạm vi biện luận vì nhân danh chính nghĩa quốc gia là thể diện. Hai xã hội to lớn với những nền văn hoá dị biệt và với những cơ sở làm tiền đề khác nhau, cả hai đang tiến hành điều chỉnh những vấn đề nền tảng thuộc phạm vi quốc nội, cho dù liệu rằng hành vi này được chuyển sang thành cạnh tranh hay là đem lại một hình thức mới của quan hệ đối tác hay không, chủ yếu nó sẽ định hình cho một triển vọng về trật tự của thế giới của thế kỷ XXI.
Kể từ khi có cuộc cách mạng, thì hiện nay thế hệ thứ năm đang lãnh đạo Trung Quốc. Mỗi nhà lãnh đạo trước đây đã đãi lọc những tầm nhìn đặc biệt của thế hệ về nhu cầu của Trung Quốc. Mao Trach Đông kiên quyết bứng tận gốc các thể chế đã hình thành, kể cả thể chế mà ông đã xây dựng trong gia đoạn đầu của chiến thắng, vì ông e rằng thể chế sẽ gây trì trệ do các chiều hướng quan liêu của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bỉnh nhận ra rằng Trung Quốc không thể đãm nhận vai trò lịch sử của mình, trừ khi Trung Quốc dấn thân trong các vấn đề quốc tế. Phong cách của Đặng là tập trung mạnh vào chủ điểm: không phô trương uy thế, vì sợ rằng các nước ngoài sẽ lo âu - không yêu sách làm lãnh đạo, nhưng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách hiện đại hoá cả xã hội lẫn nền kinh tế. Dựa trên cơ sở này, Giang Trạch Dân, người được bổ nhiệm trong cuộc khủng hoảng Thiên An Môn, đã khởi động vào năm 1989 một chính sách ngoại giao cá nhân của mình trong tầm vóc quốc tế và mở rộng cơ sở của Đảng Cộng Sản trong phạm vi quốc nội để khắc phục hậu quả. Ông ta lãnh đạo Trung Quốc tham gia vào một hệ thống quốc tế và mậu dịch quốc tế như là một thành viên toàn phần. Là người do Đặng tuyển chọn, Hồ Cẩm Đào khéo léo xoa dịu những quan tâm về quyền lực của Trung Quốc ngày một tăng lên và gây dựng cơ sở cho một khái niệm về khuôn mẫu mới của mối quan hệ giữa các siêu cường, do Tập Cận Bình đề xuất.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, ông cố xây dựng các di sản này bằng cách thực hiện chương trình cải cách rộng lớn theo quy mô của Đặng. Trong khi từ bỏ dân chủ, ông ta dự phóng một hệ thống sẽ hình thành với nhiều minh bạch mà kết quả được xác định bởi thủ tục pháp lý nhiều hơn là do một khuôn mẫu theo những mối quan hệ cá nhân và gia đình đã có. Việc này đưa ra những thách thức đối với một vài thể chế đã hình thành và hoạt động - thí dụ như thuộc về xí nghiệp quốc doanh, dựa thế vào các quan chức địa phương, và tham nhũng tràn lan - bằng cách ông kết hợp viễn kiến với lòng can đảm, nhưng chắc chắn mang lại cho cải cách một thời kỳ có nhiều phương tiện dồi dào và bất trắc.
Thành phần của giới lãnh đạo Trung Quốc phản ảnh sự tiến triển của Trung Quốc nhằm hướng tới việc tham gia và ngay cả việc định hình trong các vấn đề quốc tế. Năm 1982, không có một thành viên nào của Bộ Chính trị có trình độ đại học. Lúc tôi viết sách này thì hầu hết những người này đã có trình độ đại học, một số nhân vật quan trọng đã có trình độ cao học. Văn bằng đại học ở Trung Quốc dựa theo giáo trình theo kiểu của phương Tây, không phải là di sản của hệ thống quan lại củ, (hoặc là giáo trình theo Đảng Cộng Sản mà họ áp đặt nhồi nhét trí thức theo hình thức của họ). Việc này biểu hiện một sự thanh toán triệt để với quá khứ của Trung Quốc, trong khi người Hoa đã bị buộc chặt và tự hào về những nhận thức của họ về thế giới ngoài những phạm vi gần gũi. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay bị ảnh hưởng bởi những kiến thức của họ về lịch sử Trung Quốc, nhưng họ không bị giam hãm trong hoàn cảnh của lịch sử.

Một Triển Vọng Lâu Dài

Nhưng xung đột tiềm tàng giữa một cường quốc đã thành hình và một cường quốc đang nổi lên không phải là chuyện mới. Điều không thể tránh được là cường quốc đang trổi dậy chạm phải một số lĩnh vực mà từ trước đến nay được xem là dành độc quyền cho cường quốc đã thành hình. Cũng tương tự như vậy, cường quốc đang trổi dậy nghi ngờ đối thủ của mình có thể dẹp tan sự tăng trưởng của mình trước khi quá trể. Một công trình nghiên cứu của Đại học Harvard chứng minh rằng có 15 trường hợp trong lịch sử, khi cường quốc đã thành hình và đang trỗi dậy va chạm nhau, thì có đến 10 trường hợp là kết thúc bằng chiến tranh.
Chính vì thế mà không ngạc nhiên gì khi thấy những nhà tư tưởng chiến lược có tầm vóc của cả hai phiá đề xuất những quy cách ứng xử và kinh nghiệm lịch sử để tiên đoán những xung đột không thể tránh được giữa hai xã hội. Về phiá Trung Quốc, một vài hành động của Hoa Kỳ được giải thích như là một phác thảo một mô hình nhằm ngăn chận sự trổi dậy của Trung Quốc, và sự cổ vũ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân quyền được xem như là một đề án làm suy yếu cấu trúc chính trị quốc nội của Trung Quốc. Một vài nhân vật chủ yếu mô tả cái gọi là chính sách chuyển trục của Hoa Kỳ như là khúc dạo đầu trong màn trình diển chót để đọ sức nhằm buộc Trung Quốc phải chịu vị thế thứ yếu thường trực - một thái độ để càng đáng được chú ý nhiều hơn, bởi vì Hoa Kỳ không liên hệ đến bất cứ một cuộc tái phối trí quân sự nào đáng kể vào lúc mà tôi viết tác phẩm này.
Về phiá Hoa Kỳ, có nỗi lo sợ là Trung Quốc càng lớn mạnh sẽ làm suy yếu tính ưu việt của Hoa Kỳ một cách có hệ thống và chính vì thế ảnh hưởng đến tình hình an ninh của Hoa Kỳ. Khi so sánh tình trạng tương tự như Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các phe nhóm chủ chốt nhìn ra rằng khi Trung Quốc quyết tâm đạt được việc chế ngự quân sự cũng như kinh tế trong tất cả những vùng lân cận, và cuối cùng thì từ đó họ kết luận Trung Quốc là bá quyền.
Cả hai phiá đều tăng cường những cuộc thao diễn quân sự và chương trình quốc phòng trong khi có những ngờ vực nhau. Trong tình trạng bình thường, ngay khi cả hai nước có những biện pháp bảo vệ quyền lợi quốc gia một cách hợp lý, - khi sự bảo vệ này được hiểu một cách đại thể - thì họ giải thích theo những điều kiện của những kịch bản tồi tệ nhất. Mỗi phiá phải có trách nhiệm cho vấn đề bảo vệ, vì e rằng những huy động và ứng xử đơn phương của họ làm leo thang thành một cuộc chạy đua vũ trang.
Hai phiá cần hấp thụ từ trong lịch sử của thập niên trước thế chiến thứ nhất, khi một bầu không khí ngờ vực ngày càng hiện dần và đối đầu tiềm ẩn gia tăng đến độ thành thảm hoạ. Các nhà lãnh đạo của châu Âu bị sập trong một cái bẩy do cách lập kế hoạch quân sự của mình và họ không có khả năng để tách các khó khăn của chiến thuật ra khỏi kế hoạch của chiến lược.
Có hai vấn đề khác đang góp phần cho sự căng thẳng trong mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc từ bỏ một đề nghị mà trong đó một trật tự quốc tế được thúc đẩy do sự lan toả của nền dân chủ tự do và cộng đồng thế giới phải có nghĩa vụ thực hiện, và đặc biệt nhất là nó sẽ đạt được một tình trạng nhận thức về nhân quyền bởi các tác động quốc tế. Hoa Kỳ có thể điều chỉnh cách áp dụng quan điểm của mình về các vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ với những ưu tiên thuộc về chiến lược. Nhưng trong ánh sáng của lịch sử và niềm tin của dân chúng, Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ tất cả những nguyên tắc chung này. Về phiá Trung Quốc, giới lãnh đạo nhìn chủ đề này đúng theo như lời của Đặng Tiểu Bình phát biểu:
Thực ra, chủ quyền tối thượng của quốc gia là quan trọng hơn các vấn đề nhân quyền, nhưng nhóm Bảy hay Tám cường quốc thường vi phạm quyền tối thượng của các quốc gia nghèo và yếu của thế giới thứ Ba. Những thuơng thảo của họ về các vấn đề nhân quyền, tự do và dân chủ chỉ nhằm đặt ra để bảo vệ quyền lợi của các quốc gia giàu mạnh. Họ tận dụng sức mạnh của mình để dọa nạt nước yếu hầu theo đuổi bá quyền và thực hiện chính trị theo quyền lực.
Không một thỏa hiệp chính thức nào có thể đạt được giữa các quan điểm này; giử sao cho những bất hoà tránh thành xung đột gia tăng là một trong những nghiã vụ chính của các nhà lãnh đạo của cả hai phiá.
Một vấn đề trước mắt quan hệ đến Bắc Hàn, mà một câu cách ngôn của Bismarck từ thế kỷ XIX chắc chắn là áp dụng được: "Chúng ta đang sống trong thời gian kỳ diệu mà kẻ mạnh là kẻ yếu vì sự thận trọng, và kẻ yếu thành kẻ mạnh do sự táo bạo.“ Bắc Hàn cai trị không theo nguyên tác chính thống được chuẩn nhận, thậm chí cũng không theo nguyên tắc của Cộng Sản như họ tuyên bố. Thành tựu chính của họ là xây dựng một vài thiết bị hạt nhân. Bắc Hàn không có khả năng quân sự để gây chiến với Hoa Kỳ. Những sự tồn tại các vũ khí này có ảnh hưởng chính trị vượt xa hơn những tiện ích quân sự. Họ gây khích lệ tác động cho Nhật Bản và Nam Hàn tạo khả năng hạt nhân quân sự. Họ khuyến khích Bình Nhưỡng chấp nhận rủi ro không cân xứng với khả năng của mình, gây thêm nguy hiểm cho một cuốn chiến khác trên bán đảo Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, Bắc Hàn là hiện thân của các di sản phức tạp. Trong nhãn quan của một vài người Hoa, chiến tranh Hàn quốc được xem là một biểu tượng về lòng quyết tâm của Trung Quốc nhằm kết thúc “một thế kỷ bị sĩ nhục“ và “trổi dậy“ trên chính trường thế giới, nhưng cũng là một lời cảnh báo chống lại các việc tham chiến mà về nguồn gốc thì Trung Quốc không thể kiểm soát được và các hậu quả có thể kéo dài nghiêm trọng và ngoài dự kiến. Đó là lý do tại sao Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng một quan điểm tại Đại Hội Đồng Bảo An LHQ trong việc đòi hỏi Bắc Hàn từ bỏ - không cắt giảm - chương trình hạt nhân.
Đối với chế độ Bình Nhưỡng, từ bỏ vụ khí hạt nhân có thể liên hệ đến tình trạng phân hoá chính trị. Nhưng từ bỏ là chuyện rõ ràng, đó là những gì mà Hoa Kỳ và Trung Quốc công khai đòi hỏi trong các Nghị Quyết của LHQ mà họ đã hỗ trợ. Hai nước cần phối hợp các chính sách của mình để dự phóng trong trường hợp mà các mục tiêu đề ra được thực hiện. Liệu việc này có thể kết hợp các quan tâm và các mục tiêu của hai phía về vấn đề Hàn quốc? Liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể tiến hành một chiến lược hợp tác cho một Hàn Quốc giải giới vũ khí hạt nhân và thống nhất, để cho tất cả các phe phái sống trong an bình và tự do hơn không? Đây là một biện pháp quy mô nhằm hướng tới "một khuôn mẫu mới cho các mối quan hệ của cường quốc", một sách lược thường được đề cập nhưng việc hình thành còn quá chậm.
Những nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ không tài nào biết được phản ứng của dân chúng Trung Quốc đối vối chương trình nghị sự quá rộng lớn, họ đang chèo chống trong một vùng biển lạ. Họ không muốn tìm kiếm những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài, nhưng họ sẽ chống lại mọi sự thâm nhập vào những lĩnh vực mà họ định nghĩa như là quyền lợi cốt lõi, có lẽ với tinh thần quyết liệt hơn các vị tiền nhiệm; nói một cách chính xác hơn, bởi vì họ cảm thấy có trách nhiệm giải thích các điều chỉnh không thể tách rời khỏi chương trình cải cách qua việc nhấn mạnh về quyền lợi quốc gia. Bất cứ một trật tự quốc tế nào bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phải có liên hệ đến tình trạng quân bình của cán cân quyền lực, nhưng việc điều hành xưa củ của việc quân bình cần phải được giảm nhẹ bằng cách thoả thuận dựa trên luật lệ và thúc đẩy bởi các yếu tố của hợp tác.
Những nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thừa nhận công khai là quyền lợi chung của hai quốc gia đang phác hoạ một kết quả xây dựng. Hai vị Tổng Thống của Hoa Kỳ (Barack Obama và George W. Bush) đã thoả thuận với hai vị tương nhiệm Trung Quốc (Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào) để tạo ra một quan hệ đối tác chiến lược tại khu vực Thái Bình Dương, làm thành một cách cho việc duy trì tình trạng quân bình trong khi giảm bớt đe doạ quân sự cố hữu trong vấn đề. Tính đến nay, các bảng tuyên bố về ý định chung không phù hợp với các bước cụ thể trong chiều hướng đã thỏa thuận.
Quan hệ đối tác không thể nào thành tựu do bảng tuyên cáo. Không một thoả ước nào có thể bảo đảm cho một quy chế đặc biệt cho Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ đến lúc cảm nhận mình là một cường quốc đang suy vi - một vấn đề có do chọn lựa, không phải là chuyện định mệnh - Trung Quốc và các nước khác sẽ thành công trong việc lãnh đạo thế giới, một tình trạng mà Hoa Kỷ đã hành sử hầu như trong suốt một thời kỳ sau thế chiến thứ hai sau một thời kỳ giữa hỗn loạn và biến động
Nhiều người Hoa có thể thấy Hoa Kỳ là một siêu cường vượt qua đỉnh cao của mình. Tuy nhiên, trong giới lãnh đạo của Trung Quốc, họ cũng công nhận là Hoa Kỳ sẽ duy trì khả năng lãnh đạo quan trọng trong tương lai gần. Nền tảng cho việc xây dựng một trật tự cho thế giới tốt đẹp không phải là do một quốc gia duy nhất, không phải là do Hoa Kỳ mà cũng không phải là do Trung Quốc có đủ tư thế tự mình đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới theo cách mà Hoa Kỳ đã thực hiện thời kỳ ngay sau khi Chiến tranh Lạnh, khi mà Hoa Kỳ còn có những ưu điểm nổi bật cả về kinh tế lẫn tâm lý.
Tại Đông Á, Hoa Kỳ không hẳn là một cán cân, một thành phần không thể thiếu để đạt tới tình trạng quân bình. Những chương trước đây đã chứng minh được của tình trạng quân bình là mong manh, vì số lượng các thành phần tham gia là các nước nhỏ và thay đổi lòng trung thành có thể trở thành yếu tố quyết định. Một phương sách thuần túy về quân sự cho tình trạng quân bình tại Đông Á dường như sẽ dẫn đến việc liên kết, thậm chí nó còn cứng rắn hơn so v ới sự liên kết đã gây ra thế chiến thứ nhất.
Tại Đông Á, có một cái gì đó đang tiến gần tới tình trạng quân bình trong cán cân quyền lực giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ, với những thảnh viên ngoại vi là Liên Xô và Việt Nam. Nhưng tinh trạng này khác biệt với tình trạng quân bình trong cán cân quyền lực thuộc về lịch sử mà nó có một thành viên chủ yếu là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có trọng tâm hấp lực của mình, nằm xa với trọng tâm điạ lý của Đông Á - và trên hết, dù lực lượng quân sự của hai nước tự cảm nhận là kẻ thù thông qua các tạp chí quân sự và trong các lời tuyên bố cũng nói về về mối quan hệ đối tác như là một mục tiêu của các vấn đề chính trị và kinh tế. Vì vậy, việc xãy ra là Hoa Kỳ là một đồng minh của Nhật Bản và tuyên dương xem Trung Quốc như một bạn đối tác, - một tình trạng tương tự như dưới thời Bismarck khi ông liên minh với Áo để tạo quân bình với Liên Xô do một thoả ước. Nghịch lý rõ ràng vì tình trạng mơ hồ duy trì được tính cách mềm dẻo cho tình trạng quân bình tại châu Âu. Và sự từ bỏ này – khi nhân danh sự minh bạch - tạo nên hằng loạt các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng, mà cao điểm là thế chiến thứ nhất.
Trong hơn một thế kỷ, - kể từ khi có chính sách Mở Cửa và trung gian hoà giải của Theodore Rossevelt về chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản - đã có một chính sách cố định của Hoa Kỳ để ngăn ngừa tình trạng bá quyền tại châu Á. Trong tình trạng hiện nay, Trung Quốc có một chính sách không thể tránh được để kiềm chế các lực lượng có tiềm năng đối đầu là làm tìm cách cho nó càng xa biên giới càng tốt. Cả hai nước di động trong phạm vi này. Duy trì hoà bình tùy thuộc vào mức kiềm chế mà hai quốc gia theo đuổi những mục tiêu và trong khả năng đảm bảo là có tình trạng cạnh tranh trong phạm vi chính trị và ngoại giao.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lằn ranh phân định được định nghiã qua các lực lượng quân sự. Trong thời kỳ hiện đại, lằn ranh không nên được định nghiã chủ yếu là do sự phối trí bằng quân sự. Thành tố quân sự không nên được quan niệm như là một định nghiã duy nhất hay chính yếu cho tình trạng quân bình. Chuyện nghịch lý là khái niệm về quan hệ đối tác cần có một thành tố của tình trạng quân bình mới cho cán cân của quyền lực, đặc biệt là tại châu Á, - một đường lối nếu áp dụng như nguyên tắc bao quát -, sẽ là khái niệm quan trọng như chưa từng có trước đây. Sự kết hợp về một chiến lược nhằm đem lại tình trạng quân bình trong cán cân quyền lực với một sách lược ngoại giao về quan hệ đối tác sẽ không thể thay đổi các khiá cạnh thù nghịch, nhưng nó có thể lảm giảm nhẹ tác động này. Trên hết, sự kết hợp này sẽ đem lại cho những nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ những kinh nghiệm trong sự hợp tác xây dựng và mang đến cho hai xã hội một đường lối xây dựng hướng tới một tương lai bình ổn hơn.
Một trật tự luôn đòi hỏi về một tình trạng quân bình trong sự kiềm chế, sức mạnh và tính chính thống với tất cả tinh tế. Tại châu Á, cần phải có sự kết hợp một tình trạng quân bình trong cán cân quyền lực với một khái niệm về quan hệ đối tác. Một định nghiã của tình trạng quân bình thuần túy về mặt quân sự sẽ chuyển dần sang một tình trạng đối đầu. Một khảo hướng thuần túy về mặt tâm lý cho quan hệ đối tác sẽ gây thêm lo sợ về nạn bá quyền. Giới lãnh đạo khôn ngoan phải cố tìm cách đạt được tình trạng quân bình này. Ngoài tình trạng quân bình này ra, thì tai họa tất sẽ đến.
* * *

Bài liên quan:

- Bản Tổng Kết Của Một Cố Vấn: Phỏng Vấn Henry Kissinger Do Christoph Amend Và Matthias Nass Thực Hiện
http://vietbao.com/a165384/ban-tong-ket-cua-mot-co-van-phong-van-henry-kissinger-do-christoph-amend-va-matthias-nass-thuc-hien
- Giới Thìệu Sách: Hồ Sơ tội trạng Của Henry Kissinger Chistopher Hitchens, The Trial of Henry Kissinger, Verso Books, London, New York 2001, 159 pp.
http://vietbao.com/a161124/gioi-thieu-sach-ho-so-toi-trang-cua-henry-kissinger
- Book Review Essay - Henry Kissinger - World Order: Reflections on the Character of Nations and the Course of History, Penguin Press, 2014, 432 pp.
http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2540456

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét