Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Lộ một sự thật khác vụ thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền

Ông Nguyễn Văn Hùng bên phần đất được cấp cho ông Trần Văn Truyền.
Ông Nguyễn Văn Hùng bên phần đất được cấp cho ông Trần Văn Truyền
Miếng đất trị giá nhiều tỉ đồng của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - đang bị tỉnh Bến Tre thu hồi, nhiều năm nay, một người dân đã khiếu nại quyết liệt để đòi lại.
Theo hồ sơ, năm 1955, vợ chồng ông Nguyễn Văn Năm và bà Lạc Thị Xiếu mua 2,5ha đất ruộng ở thị xã Bến Tre và sử dụng một phần đất trong số này để chôn cất người thân. Năm 1966, chính quyền chế độ cũ lấy đất này làm căn cứ quân sự, làm hàng rào chừa 1.182m2 đất mồ mả cho gia đình ông Năm. Sau giải phóng, phần đất này được chính quyền tiếp quản, sau đó sử dụng làm Ban Quân y Tỉnh đội. Năm 1977, ông Nguyễn Văn Năm khiếu nại đòi lại miếng đất 1.182m2, nhưng không được giải quyết. Dù vậy, gia đình ông Năm vẫn chôn cất người thân và sử dụng phần đất 1.182m2 phía ngoài tường rào, vừa tiếp tục khiếu nại đòi đất. 
Tuy nhiên, tháng 12.1992, một phần thửa đất 1.182m2 này (tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương) được Quân khu 9 cấp cho ông Trần Văn Truyền với diện tích 351m2. Phần đất còn lại không nằm trong đơn vị quân y cũng được cấp cho nhiều cán bộ khác. Phát hiện đất bị mất, vợ chồng ông Năm đã già yếu nên ủy quyền cho con trai là Nguyễn Văn Hùng đòi lại. Ông Hùng khiếu nại trong thời gian dài, đến ngày 10.8.2005, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo ban hành Quyết định 2666/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của ông Hùng. Theo đó, việc ông Hùng xin lại 1.182m2 đất là không phù hợp quy định. Tuy nhiên, trong diện tích này có mồ mả của gia đình ông Hùng nên UBND thị xã Bến Tre sẽ giải quyết cho gia đình 29,9m2 (đo đạc thực tế).
Theo khiếu nại của ông Hùng và theo xác minh của chúng tôi, phần đất mà gia đình ông Hùng đòi nhưng không được trả lại, đã được cấp cho nhiều cán bộ. Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Hùng nói: “Mấy chục năm khiếu nại đòi đất, tôi đã phải bán một nửa căn nhà đang ở để làm chi phí. Tôi đã khiếu nại ra tới Thanh tra Chính phủ nhiều lần nhưng không ai giải quyết”.
Đối với căn nhà số 6 Lê Qúy Đôn, phường 1, thành phố Bến Tre mà ông Truyền được mua theo Nghị định 61, nhiều cán bộ về hưu cho biết, thực chất đây không phải là một căn nhà mà là 2 căn liền kề. Năm 2002, ông Trần Văn Truyền muốn thuê khối nhà này. Cty Xây dựng và phát triển nhà Bến Tre tiến hành “cải tạo” khối nhà với chi phí hơn 413 triệu đồng (thời giá năm 2002). Ông Truyền thuê một thời gian ngắn thì xin mua luôn và chỉ phải nộp cho Nhà nước gần 300 triệu đồng. Hiện căn nhà này có giá trị nhiều tỉ đồng. Ngoài phần đất được “cho không” ở đường Nguyễn Thị Định và “bán như cho” ở đường Lê Quý Đôn, chúng tôi còn phát hiện ông Truyền được địa phương “cho thuê” một căn nhà mặt tiền trên đường Đoàn Hoàng Minh (phường 6, thành phố Bến Tre).
Để có thêm thông tin về các bất động sản này, chúng tôi đã liên hệ với Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre để xin hồ sơ. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, Trung tâm phát triển quỹ nhà đất tỉnh Bến Tre quản lý hồ sơ. Chúng tôi liên hệ với cơ quan này thì một cán bộ cho biết, trung tâm mới thành lập 4 năm nay nên cần phải có thời gian để tìm lại. 

Một điệp viên Mỹ tại Việt Nam

Ông William E. ColbyÔng William E. Colby đứng đầu văn phòng CIA tại Nam Việt Nam từ năm 1959-1962.
Đối với nhiều người Mỹ thời đó, cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai trên thực tế, đã chấm dứt vào năm 1968.
Báo chí và công chúng tại Hoa Kỳ xem cuộc tấn công Tết Mậu thân là một thất bại lớn cho quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Vào năm 1968, phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ đã lan rộng và thu hút nhiều nhân vật của chính phủ và các thành viên của tầng lớp trung lưu.
Sau năm 1968, cuộc chiến hầu như biến mất khỏi các trang nhất trên báo chí quốc gia.
Nhưng thực ra Tết Mậu thân là một thất bại quân sự lớn đối với người cộng sản miền Nam (Việt Cộng). Vì vậy mà khi thất bại xảy đến cho miền Nam Việt Nam vào năm 1975, nó đã được tiến hành thông qua một cuộc xâm lược của quân đội Bắc Việt mà không phải là một tấn công tổng nổi dậy, do Việt Cộng khơi mào.
Can dự tích cực của Mỹ vào cuộc chiến còn tiếp tục trong bốn năm nữa sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

‘Thu phục nhân tâm’

Đến năm 1968, chính quyền Johnson từ bỏ phương pháp chiến tranh ‘tìm và diệt’ của Tướng William Westmoreland đi kèm việc ném bom bừa bãi.
Trong giai đoạn nửa sau của cuộc xung đột, Mỹ nhấn mạnh nỗ lực chống nổi dậy và bình định, dẫn đến chiến dịch của Mỹ và giới chức Nam Việt Nam nhằm chinh phục nhân tâm ở nông thôn.
Động lực đằng sau sự thay đổi này là William E. Colby, cựu đặc công Mỹ ở thế chiến II, dẫn dắt văn phòng CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) ở Sài Gòn từ năm 1959-1962 và là người đứng đầu Cục Viễn Đông của CIA từ 1963-1968.
Trong giai đoạn Tết Mậu thân, Colby được cắt cử đến Nam Việt Nam để lãnh đạo CORDS, chiến dịch khổng lồ chống nổi dậy/bình định được hợp tác giữa Hoa Kỳ - Nam Việt Nam, vốn được bắt đầu vào năm 1967.
Colby xuất thân từ nhóm xây dựng quốc gia/chiến tranh chính trị của CIA, mà không phải từ cánh gián điệp/phản gián của cơ quan này.
Trong khi làm việc ở Sài Gòn trên cương vị giám đốc phân nhánh CIA, Colby và các nhân viên của ông đã tổ chức các Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) trong những người Thượng gốc Rhađê. CIA vũ trang cho những người dân ở các buôn làng Tây Nguyên, bảo vệ họ tạm thời, rồi khuyến khích chiến đấu chống Việt Cộng. Lực lượng CIDG là nguyên mẫu cho chương trình Ấp Chiến Lược.
Trong thời gian nắm giữ chức Giám đốc Cục Viễn Đông, Colby là kiến trúc sư của cuộc chiến bí mật tại Lào. Tại đó CIA đào tạo và vũ trang cho các thành viên bộ tộc Hmong và gửi họ tới chiến đấu chống lại quân đội Pathet Lào cũng như quân đội Bắc Việt.
Colby tin rằng an ninh ở các vùng quê tại miền Nam Việt Nam chỉ là một phần của giải pháp cho vấn đề.
Ông Colby và George Bush (cha)
Nhiều ý tưởng của ông Colby từ cuộc chiến Việt Nam được áp dụng ở Iraq và Afghanistan, theo tác giả.
Những người Mỹ trên cơ sở quan hệ đối tác với các chuyên gia bình định miền Nam Việt Nam như Thiếu tá Trần Ngọc Châu phải phân tán vào các xóm làng ở Nam Việt Nam, sống với những người nông dân, giúp cải thiện đời sống của họ, vũ trang cho họ và khuyến khích họ đối phó lại cán bộ cộng sản.
Điều mà Colby và các đồng nghiệp của ông hình dung là một cuộc cách mạng từ “cơ sở”, từ “gốc” sẽ mang lại tự trị cho các tỉnh lỵ và trao quyền cho nông dân để bảo vệ chính mình.
Vấn đề là các chế độ quân sự khác nhau ở Sài Gòn lại coi bất kỳ các nhóm vũ trang có gắn kết về chính trị mà họ không kiểm soát được là mối đe dọa đến quyền lực của họ.

Thất bại

Chiến dịch chống nổi dậy và bình định (CORDS) là hoạt động kết hợp quân sự với dân sự đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Mỹ.
CIA đã thành lập một trung tâm tại Vũng Tàu để đào tạo cán bộ chính trị và các nhóm chống khủng bố cho Nam Việt Nam.
Tại Washington, một Trung tâm Đào tạo Việt Nam cung cấp hỗ trợ, đào tạo ngôn ngữ suốt năm cho CIA, các sĩ quan quân đội Mỹ, các cán sự ngoại giao và nhân viên Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID).
Vào năm 1970, có người Mỹ nói tiếng Việt ở hầu như mỗi thôn xóm ở miền Nam Việt Nam.
Các sĩ quan chiến dịch CORDS và các đồng minh Nam Việt Nam đạt được một số tiến triển chống lại các hoạt động nổi dậy giải phóng của cộng sản ở các vùng nông thôn, mặc dù cộng sản tiếp tục có sự hiện diện lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Trung Bộ, và tại các khu vực thuộc mạn nam và đông của Sài Gòn.
Cuối cùng, Colby và các đồng nghiệp của ông đã thất bại.
Họ không thể vượt qua được uy tín dân tộc chủ nghĩa của đối thủ, bản chất áp bức và tham nhũng của chính quyền Sài Gòn, hoặc quyết tâm của chính quyền Nixon kết thúc chiến tranh.
Chiến dịch CORDS phần nào đã trở thành mô hình áp dụng cho người Mỹ chiến đấu ở Iraq và Afghanistan.
Colby trở thành lãnh đạo CIA từ 1973-1976. Tại đây ông hứng chịu cuộc khủng hoảng từ việc công bố "trang sức gia đình" của CIA, tức là những hoạt động bất hợp pháp như âm mưu ám sát nhắm vào các nhà lãnh đạo nước ngoài và việc theo dõi trong nước.
Là người chẳng mấy tin vào sự hợp tác và cởi mở với Quốc hội, Colby đã bị Tổng thống Gerald Ford sa thải vào năm 1976.
Bài viết do Randall B. Woods, giáo sư lịch sử tại Đại học Arkansas, gửi cho BBC. Ông là tác giả của cuốn "Shadow Warrior: William E. Colby and CIA" (tạm dịch: "Người chiến binh trong bóng tối: William E. Colby và CIA"), do Nhà xuất bản Basic Books, New York, ấn hành năm 2013.


Điếu Cày và 'phép thử cờ vàng'

Người Việt hải ngoại chờ đón blogger Điếu Cày
Sự kiện nhà tranh đấu Điếu Cày được trả tự do và tống xuất sang Hoa Kỳ được đón tiếp nồng hậu bởi cộng đồng Việt Nam và sau đó xảy ra vụ "áp đặt cờ vàng" ngay tại phi trường Los Angeles đã dẫn đến tranh cãi gay gắt trong cộng đồng giữa các luồng quan điểm chính trị khác nhau.
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bỗng nhiên trở thành tâm điểm của những cọ xát về quan điểm chính trị nhiều hơn là cuộc tranh đấu của bản thân ông với guồng máy của nhà nước Việt Nam.

'Chống cộng giả hiệu'

Từ nhiều năm nay, do các yếu tố từ quá khứ chiến tranh, từ những trò "chống cộng" giả hiệu để gạ gẫm tiền bạc, cho đến những bất đồng quan điểm giữa các thành phần trong cộng đồng, đã dẫn đến một thực trạng tiêu cực trong cộng đồng mà ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, đó là sự phân hóa và mất niềm tin lẫn nhau.
Do những yếu tố trên, người trong cộng đồng dường như không tin bất cứ điều gì. Họ luôn đề phòng và thụ động. Họ sẵn sàng nghi kỵ bất cứ điều gì. Sự mất niềm tin này đã nhiều lần khiến cho các sinh hoạt trong cộng đồng trở nên ngột ngạt hơn.
Bên cạnh đó là sự cực đoan của một số người, luôn nhân danh lá cờ vàng ba sọc đỏ, hay nhân danh VNCH, nhân danh "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền" để áp đặt những quan điểm của họ lên người khác, và nếu ai đó có ý kiến khác biệt sẽ bị qui chụp "Việt gian", "tay sai Việt cộng" hay "làm lợi cho Cộng sản".
Hình minh họa
Và kết quả sẽ là những cuộc biểu tình mang tính "áp đảo", tẩy chay, đôi khi còn tệ hại hơn như các trường hợp đã bị sát hại ở thập niên 80 và đầu thập niên 90.
Đứng ở góc nhìn tiêu cực thì rõ ràng sự cực đoan đã đẩy người trong cộng đồng mất hẳn niềm tin lẫn nhau, trở nên gay gắt hơn và gây bầu không khí ngột ngạt thiếu lành mạnh trong cộng đồng.
Đứng ở góc nhìn tích cực thì sự mất niềm tin và cực đoan này cũng tác động tốt đến phần nào trong các sinh hoạt, nó khiến người ta suy xét cẩn thận hơn, sàng lọc kỹ hơn, không bị lôi kéo vào những sự kiện mang tính bầy đàn, vốn đã từng bị một số tổ chức chính trị hay một số cơ quan truyền thông từng gây ra những tiêu cực trong quá khứ mà nạn nhân không ai khác chính là những thành viên trong cộng đồng.

Cờ Vàng và phép thử máu

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
Từ năm 2002 sau khi nghị viên Andy Quách của thành phố Westminster vận động thông qua "Nghị quyết cờ vàng" đến nay, đã có nhiều thành phố, tiểu bang cũng có những hành động tương tự, và sự việc lan tỏa không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn trải rộng ra các quốc gia khác.
Lá cờ vàng hôm nay không còn là biểu tượng của đất nước Việt Nam, nhưng đến thời điểm hiện tại lá cờ được xem là biểu tượng chung cho người Việt ở hải ngoại, cho cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi, trừ đất nước Việt Nam.
Do phân tích ở trên về sự cực đoan và mất niềm tin lẫn nhau, lá cờ vàng đã trở thành một "phép thử máu" cho nhiều sinh hoạt khác nhau trong cộng đồng.
Một người mới gia nhập vào sinh hoạt cộng đồng, một người muốn lãnh đạo tổ chức nào đó trong cộng đồng, một chính trị gia muốn kiếm phiếu của cộng đồng, đều được trao lá cờ vàng để "thử máu".
Thậm chí để tìm hiểu lập trường của một cá nhân, một tổ chức trong cộng đồng, đôi khi người ta buộc phải treo cờ vàng hoặc mở đầu các chương trình bằng thủ tục "chào quốc kỳ" và hát quốc ca VNCH.
Nếu từ chối thì sẽ nhận lãnh ngay các hậu quả không lường trước, nhẹ thì bị đặt vấn đề trên báo chí, Internet, nặng thì có thể dẫn đến bị tẩy chay, bị biểu tình.
Một nghị viên, một thị trưởng gốc Việt mới đắc cử, điều được "thử máu" bằng cách này để khẳng định lập trường, họ phải ra những "Nghị quyết vinh danh cờ vàng" hay những "nghị quyết gây khó khăn cho giới chức nhà nước Việt Nam" khi đến thành phố của họ sinh sống, thường hay được diễn dịch là "Nghị quyết cấm cửa viên chức cộng sản Việt Nam".
Tóm lại trong một cộng đồng đang bị phân hóa và mất niềm tin lẫn nhau, lá cờ vàng trở thành một "phép thử máu" hay một tấm "bình phong" an toàn cho bất cứ ai có những dự án gì trong cộng đồng.

Trường hợp Điều Cày

Blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải
Ngay trong cuộc hội luận đầu tiên, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn tự tin với thành tích tranh đấu của bản thân nên khẳng định ông chỉ chọn lá cờ nào mà dân chúng trong và ngoài nước chấp nhận, một câu nói "khéo" để tránh đụng chạm các phía, mà theo đó bao gồm những người đang đón nhận ông ở hải ngoại chọn cờ Vàng, và những bạn tranh đấu trong nước của ông không thích lá cờ Vàng, đồng thời cũng để tránh bị nhà nước Việt Nam qui chụp cuộc tranh đấu "Xã Hội Dân Sự" của ông và bạn hữu, trở thành những "thế lực thù địch" muốn tái lập nước VNCH.
Nhưng đến cuộc hội thảo diễn ra tại Washington D.C, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã phải thốt lên câu "nhập gia tùy tục" - một hành động bị xem là thỏa hiệp với một số người cực đoan để có thể hội nhập vào cộng đồng mà ông đang phải hội nhập trong những ngày tháng sắp tới.
Đứng ở góc cạnh đấu tranh và bối cảnh lý lịch của blogger Điếu Cày, việc "chấp nhận" lá cờ vàng có thể sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho bản thân ông và bạn bè đang tranh đấu trong nước, nhất là gia đình ông đang có nhiều dấu hiệu bị an ninh Việt Nam tìm cách cô lập hay trù dập.
Nhưng đứng ở góc nhìn của nhiều thành phần trong cộng đồng xem lá cờ Vàng là biểu tượng, họ muốn ông phải khẳng định lập trường nếu ông muốn tiếp tục sinh hoạt và hội nhập trong cộng đồng, hay tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng cho công cuộc tranh đấu của ông, vì lá cờ Vàng đang là biểu tượng chung của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Không chấp nhận biểu tượng chung này, có nghĩa là chọn đứng ngoài và điều này sẽ giới hạn các hoạt động của ông, vì các lời kêu gọi hay các dự án của ông sẽ không được hỗ trợ bởi những người người ủng hộ cho biểu tượng cờ Vàng.
Không chỉ riêng ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải mà tương lai của các nhà bất đồng chính kiến trong nước, những nhà hoạt động tranh đấu cho Xã hội Dân sự cũng sẽ gặp trường hợp tương tự nếu họ vượt thoát hay bị tống xuất ra hải ngoại.
Đây sẽ là bài toán khó cho họ vì chọn hay không chọn cờ Vàng thì các sinh hoạt đấu tranh của họ cũng sẽ bị giới hạn một cách cụ thể.

Chung cuộc

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tới Hoa Kỳ
Vụ tranh cãi "Áp đặt cờ vàng" tại phi trường LAX hay lấy chiếc khăn mang hình ảnh cờ vàng quấn cổ Điếu Cày cho thấy trong cộng đồng Việt Nam có nhiều quan điểm trái ngược nhau, nhưng tựu chung chỉ có hai khuynh hướng rõ rệt.
Những người được xem là thoáng trong cộng đồng nghĩ rằng các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của người cộng sản tại Việt Nam sẽ trẻ trung hơn và sẽ thay đổi để Việt Nam được hội nhập vào cộng đồng quốc tế dù có chậm hơn mặt bằng thế giới, do đó họ chọn thái độ không quá gay gắt, đôi khi sẵn sàng tiếp cận với giới chức của nhà nước Việt Nam để tìm hiểu hay tìm cách thay đổi.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người trong cộng đồng không tin rằng người Cộng sản sẽ thay đổi, từ những bài học trong quá khứ chiến tranh, cho đến sự quản lý đất nước một cách tồi tệ hiện nay, do đó họ chủ trương rằng, muốn Việt Nam thay đổi và khá hơn thì cách duy nhất là phải lật đồ hoàn toàn thể chế do người Cộng sản lãnh đạo.
Với các khuynh hướng nói trên, trong những ngày tháng sắp tới sẽ là những thử thách khá nghiệt ngã cho các nhà tranh đấu, vì họ chưa có giải pháp nào có thể đạt được sự ủng hộ của các phía khác nhau.
Và chính điều này là hệ quả dẫn đến một số thất bại của các nhà tranh đấu: hồ sơ nhân quyền Việt Nam vẫn mỗi ngày một tệ hơn vì lực lượng tranh đấu chưa đủ lực thuyết phục được cộng đồng quốc tế.

TIN NÓNG: TÀU CỦA TRUNG CỘNG MANH ĐỘNG ĐÂM TÀU CÁ VN





Cấp cao đối ngoại, gặp gỡ, chạy qua chạy lại thì thụt, nhịn nhục thế đếch nào mà cứ thỉnh thoảng nó lại đâm cho một nhát. Lo cho dân cho nước thì phải đặt Dân tộc - Tổ quốc lên trên hết chứ! Cứ khúm núm nịnh bợ và xun xoe mãi thì nhục lắm!
Tướng tá thì nhiều. Chưa được phong thì tâm tư. Phong cho ít thì cũng tâm tư. Ông nào cũng béo ú. Ra chỗ đông người thì rụt cổ lại, chẳng ra con nhà võ. Lương cao bổng lớn mà để dân thế này đây!
Đấy! Đảng và Nhà nước lo thế đấy! @ Tễu (Nguyễn Xuân Diện):

--------------


Tàu Trung Quốc manh động tấn công tàu cá Việt Nam
Báo Tiền Phong

Chiều 27/11, tàu cá QNg 90226 từ Hoàng Sa trở về bờ sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm gần chìm. Ngư dân Nguyễn Văn Phú, người gác tổng đài Icom tại địa phương, nói rằng, nhiều ngày qua, cả đoàn tàu ngư dân Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc xua đuổi ở khắp các đảo Hoàng Sa.
Phá lưới
Đối với ngư dân thôn Định Tân (xã Bình Châu), đây là phiên lưới chuồn đầu tiên trong năm. Mùa lưới chuồn kéo dài từ tháng 11 đến khoảng tháng 5. Ngư trường chính của 50 tàu cá hành nghề lưới chuồn là quần đảo Hoàng Sa, suốt hơn 30 năm qua.
Ảnh 1: Tàu Trung Quốc manh động tấn công tàu cá Việt Nam Thuyền trưởng Đỗ Văn Năm và thương tích trên con tàu QNg 90226
Sáng 26/11, tàu cá QNg 90226, do ông Đỗ Văn Năm ở thôn Định Tân làm thuyền trưởng, đánh lưới chuồn tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là hòn đảo mà năm nào ngư dân cũng ra đánh bắt và thỉnh thoảng bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Nhưng năm nay, thái độ của phía Trung Quốc tỏ vẻ rất hung hăng.
Khi ngư dân đang kéo lưới, tàu cảnh sát biển (hải cảnh) của Trung Quốc mang số 46102 xuất hiện, lập tức xông thẳng vào giữa giàn lưới của ngư dân Việt Nam, quần nát những tấm lưới. Ngư dân trên tàu vội thả bỏ vùng lưới nát để chạy đến tranh thủ kéo nhanh những tấm lưới khác. Nhưng hễ thấy tàu ngư dân đi đến đâu là tàu hải cảnh lập tức xông đến phá lưới.
Ngư dân Đỗ Thành rớt nước mắt tả lại: “Lúc đó mình với họ giành giật lưới, anh em tôi bảo thôi kéo được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ không thì mới phiên biển đầu tiên đã phải bỏ của”.
Tổng cộng ngư dân đánh 8 đoạn lưới. Cuộc giằng co mãi đến 12 giờ trưa thì ngư dân mới kéo xong lưới và tàu hải cảnh cũng bỏ đi. Nhưng hung thần này bỏ đi thì lại xuất hiện những hung thần khác. Và từ lúc đó, ngư dân đối diện cái chết cận kề.
“Chúng tôi suýt chết!”
Đó là câu nói của 7 ngư dân đi trên tàu QNg 90226. Thuyền trưởng Đỗ Văn Năm kể, sau khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc phá lưới, ngư dân đành phải chạy vào bờ, chấp nhận mất hơn 100 triệu đồng. Nhưng sự trở về của ngư dân vẫn không được yên.
Tàu chạy được 4 hải lý thì phía trước tàu xuất hiện 2 tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu màu trắng mang biển số 2. Thuyền trưởng Năm thấy chiếc tàu này hướng mũi về phía tàu ngư dân nên kéo hết ga để chạy thoát. Chiếc tàu Trung Quốc lao sang tàu QNg 95159 do ông Phạm Y làm thuyền trưởng. Con tàu gỗ của ông Y hứng chịu một trận phun nước xối xả.
Chiếc tàu Trung Quốc tiếp tục đảo mũi quay sang tàu ông Năm, kè sát bên mạn trái và bắt đầu phun nước. 7 ngư dân phân công nhau ôm chặt cửa sổ để chống chọi. Nhưng đợt phun nước đầu tiên đã làm cửa sổ ca bin thuyền trưởng vỡ toác, nước tràn vào tàu.
Ngư dân Võ Tấn Hoàng (ngồi ôm cửa sau) kể: “Tôi hò hét anh em bơm nước ra, giữ cửa, tàu sắp chìm rồi, nước dưới khoang máy đã ngập trên 1m. Nhưng lúc đó dữ dằn quá nên không ai còn nghe thấy gì cả”.
Sau khi phun nước khiến tàu ngư dân sắp chìm, chiếc tàu Trung Quốc mang số 3 lao thẳng từ phía sau vào mạn trái tàu ngư dân. Ca bin tàu bị bật nghiêng, tất cả 7 ngư dân ngã dúi.
Ảnh 2: Tàu hải cảnh 46102 của Trung Quốc phá lưới tàu QNg 90226 của ngư dân Bình Châu trưa 26/11.
Ông Thanh kể: “Tui la anh em chắc là tàu chìm tới nơi rồi, vì hông tàu nghiêng một bên và lún xuống biển”. Chiếc tàu gỗ xoay đảo sắp chìm. Phần hông tàu bị vỡ toác nên cánh cửa ca bin thuyền trưởng bật ra. Lúc đó, ông Đỗ Thành quyết định cứu tàu bằng cách nhảy ra boong tàu, hướng về phía tàu Trung Quốc xin tha. Hai người Trung Quốc đứng trên nóc tàu nhìn xuống và dừng phụt nước.
Chiếc tàu QNg 90226 trở về bến với nhiều thương tích. Phần be tàu nứt vỡ, các khớp gỗ nối trong ca bin đều bật tung, ống khói trên tàu gãy gập, đồ đạc trên tàu bị xới tung, đảo lộn, gần 100 tấm lưới bị giày xéo phải bỏ lại biển, còn đống lưới trên tàu rối bung vì được kéo vội vã và giành giật.
Đồn biên phòng Sa Kỳ đã lập biên bản ghi nhận sự việc và mô tả về thiệt hại của ngư dân để báo cáo cấp trên. Ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cho biết: Đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương cùng tham gia xác minh làm rõ về việc ngư dân đi đánh bắt ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc uy hiếp. Sáng 28/11, địa phương sẽ báo cáo cấp trên.
Đoàn tàu của ngư dân thôn Định Tân vẫn tiếp tục bám biển Hoàng Sa đánh lưới chuồn. Nhưng theo điện báo của bà con, những ngày qua, tàu Trung Quốc liên tục xuất hiện và rượt đuổi. Các tàu cá QNg 90549, QNg 95147, QNg 90521… đều đang chạy lòng vòng để đánh lưới và tránh tàu tuần tra Trung Quốc.
Theo Tiền Phong
Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

Việt Nam sẽ vỡ nợ?



no vo
Bài viết này tìm hiểu tình trạng nợ công « nguy kịch » của Việt Nam và đề nghị một số giải pháp.
Định nghĩa “nợ công”
Nợ chính phủ, còn gọi là Nợ Công hoặc Nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay để tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách hằng năm.
Nợ chính phủ thường được phân loại thành:
Nợ trong nước (chủ nợ là người dân) và nợ nước ngoài (chủ nợ người ngoại quốc).
Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).
Các hình thức vay nợ của chính phủ
1. Phát hành trái phiếu chính phủ
Chính phủ có thể phát hành Trái phiếu  để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì chính phủcó thể tăng thuế, giảm chi hoặc in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có mức cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn so với trái phiếu phát hành bằng nội tệ vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán, đồng thời còn có rủi ro về tỷ giá hối đoái.
2. Vay trực tiếp
Chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế siêu quốc gia (ví dụ: Quỹ Tiền tệ Quốc tế)… Hình thức này thường được Chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu của họ không cao.
Cách tính nợ công của Việt Nam … “không giống ai”
Theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay, thì cách tính nợ công của Việt Nam khác thế giới rất nhiều. Nợ công của Việt Nam chỉ nói đến nợ của Chính phủ và bộ máy công quyền, chứ không hề tính tới nợ của doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp công ích và bảo hiểm xã hội mà nhà nước phải chịu trách nhiệm. Do trong định nghĩa nợ công không có các khoản này nên không đánh giá đúng tình trạng trầm trọng của nợ công và nguy cơ vỡ nợ của quốc gia.
Năm ngoái (2013), Việt Nam báo cáo nợ công chiếm 54% GDP (Tổng sản lượng Quốc gia), nhưng có nguồn tính ra lên tới 106% GDP nếu tính thêm các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước. Còn năm nay, con số đó có thể cao hơn nhiều. Con số 64% hiện tại chỉ phản ánh một nửa thực tế. Xét về thực chất, nợ công VN đang ở mức “rất nguy hiểm” nếu theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Khả năng trả nợ của Việt Nam
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, khả năng trả nợ không chỉ đánh giá bằng tổng số nợ hay tỷ lệ nợ so với GDP mà còn do tiềm lực trả nợ của quốc gia. Nếu so sánh tỷ lệ Nợ Công/GDP , Nhật nợ tới 200%, Mỹ nợ 100% mà không có vấn đề gì. Trong khi đó, Argentina vỡ nợ khi nợ công mới ở mức 54% GDP. Do đó, khi Việt Nam đưa ra tỷ lệ an toàn để khỏi vỡ nợ là 65% của GDP thì đây là điều không thực tế.
Điều quan trọng là phải xem tốc độ gia tăng nợ nhanh hay chậm so với tốc độ tăng trưởng của GDP và triển vọng phát triển của nền kinh tế. Argentina vỡ nợ vì tốc độ gia tăng nợ rất nhanh, không kiểm soát được chi tiêu của chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu vay nước ngoài ồ ạt, trong khi xuất khẩu lại rất kém.
Nước ngoài khi cho vay sẽ căn cứ vào khả năng tăng trưởng và năng lực xuất khẩu. Nếu tăng trưởng chậm, xuất khẩu có vấn đề thì không còn ai muốn đưa tiền vào đất nước đó. Và đó là thảm họa đã xảy ra ở Argentina.
Nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần. (theo báo cáo Quốc hội hoàn thành ngày 28/10/2014) . Nhiều đại biểu QH bày tỏ sự lo lắng trước tình hình nợ công lớn, xu hướng tăng nhanh, rủi ro lớn, và đang ở mức báo động; áp lực trả nợ rất lớn trong khi năng lực trả nợ của nhà nước không cao.
Trong một cuộc hội thảo hồi cuối năm 2013 (22/11/2013), chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương cho biết: cứ mỗi ba tháng Việt Nam phải trả nợ công, gồm cả gốc và lãi lên tới 25.000-26.000 tỉ đồng (hơn một tỉ đôla)
Bản tập hợp ý kiến thảo luận cũng nhấn mạnh: “Nhiều đại biểu cho rằng nợ công đang trở thành vấn đề nguy hiểm, nếu không giải quyết tốt có thể đe dọa đến tài chính quốc gia và ổn định vĩ mô, chính trị”.
Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách, cho báo Tuổi Trẻ trong nước biết: Tính trong nhiệm kỳ (2011-2015), chính phủ phải vay khoảng 872.000 tỉ đồng để bù bội chi ngân sách và phát hành 395.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để đầu tư xây dựng cơ bản (tổng cộng hai khoản khoảng 60 tỉ USD, tức trung bình 12 tỉ một năm).
Đặc biệt, năm 2014 Việt Nam đã phải vay 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015, nợ đến hạn phải trả của VN là 280.000 tỉ (hơn 13 tỉ USD) nhưng chỉ lo được 150.000 tỉ để trả nợ và phải vay 130.000 tỉ (hơn 6 tỉ USD) để đảo nợ.
Nợ trái phiếu chính phủ trong nước tương đối ngắn hạn và có lãi suất cao, cho nên yêu cầu chi trả nợ hàng năm cũng tăng lên rất nhanh, yêu cầu đó trong năm nay và 2015 đã vượt mức an toàn 25% của ngân sách.
Tác động của nợ chính phủ
Trong những năm gần đây, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng trong dài hạn một khoản nợ chính phủ lớn (tỷ lệ của nó so với GDP cao) làm cho sự tăng trưởng GDP chậm lại vì những lý do sau:
Nếu một quốc gia có nợ nước ngoài lớn thì quốc gia đó buộc phải tăng cường xuất khẩu để trả nợ nước ngoài và do đó khả năng tiêu dùng giảm sút.
Một khoản nợ công lớn gây ra hiệu ứng thế chỗ cho vốn tư nhân: thay vì sở hữu cổ phiếu, trái phiếu công ty, dân chúng sở hữu nợ chính phủ (trái phiếu chính phủ). Điều này làm cho cung về vốn cạn kiệt vì tiết kiệm của dân cư đã chuyển thành nợ chính phủ dẫn đến lãi suất tăng và các doanh nghiệp hạn chế đầu tư.
Nợ trong nước tuy được coi là ít tác động hơn vì chính chủ chỉ nợ công dân của chính nước mình, tuy vậy nếu nợ trong nước lớn thì chính phủ buộc phải tăng thuế để trả lãi nợ vay. Thuế làm méo mó nền kinh tế, gây ra tổn thất vô ích về phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, còn có một số quan điểm cho rằng việc chính phủ sử dụng công cụ nợ để điều tiết kinh tế vĩ mô, tức đi vay để phát triển, sẽ không có hiệu suất cao vì có hiện tượng crowding out (tức hoạt động của chính phủ làm giảm mức hoạt động của tư nhân) và nguy cơ lạm phát như sau:
Chính phủ muốn tăng chi tiêu công cộng để kích cầu thì phát hành thêm trái phiếu, điều này làm giá của trái phiếu giảm, do đó, chính phủ phải nâng lãi suất trái phiếu thì mới chiêu dụ được người mua. Lãi suất trái phiếu tăng thì lãi suất chung của nền kinh tế cũng tăng. Điều này tác động tiêu cực đến động cơ đầu tư của khu vực tư nhân, khiến họ giảm đầu tư. Nó còn tác động tích cực đến động cơ tiết kiệm của người tiêu dùng, dẫn tới giảm tiêu dùng. Nó còn làm cho lãi suất trong nước tăng tương đối so với lãi suất nước ngoài, dẫn tới luồng tiền từ nước ngoài đổ vào trong nước khiến cho tỷ giá hối đoái tăng làm giảm xuất khẩu.
Nếu coi việc nắm giữ trái phiếu chính phủ là một hình thức nắm giữ tài sản thì khi chính phủ tăng phát hành trái phiếu sẽ đồng thời phải tăng lãi suất, người nắm giữ tài sản thấy mình trở nên giàu có hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Tổng cầu nhận được tác động tích cực (ngắn hạn) từ việc tăng chi tiêu chính phủ và tăng tiêu dùng nói trên. Tuy nhiên, tăng tiêu dùng dẫn tới tăng lượng cầu tiền. Điều này gây ra áp lực lạm phát, vì thế tác động tiêu cực (dài hạn) tới tốc độ tăng trưởng thực.
Hệ lụy do vỡ nợ
Chuyện vỡ nợ công của Việt Nam đang là một đe dọa hiển nhiên theo sự nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế. Nếu quốc gia vỡ nợ, tình trạng kinh tế sẽ suy sụp như sau:
1) Thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và điểm tín dụng xuống cấp thê thảm.
2) Mọi cơ chế tài chánh sẽ phải đóng cửa. Tiền mất giá, lạm phát leo thang, trái phiếu và đồng nội tệ sẽ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tiền gởi trong ngân hàng sẽ “bốc hơi” vì mất giá trị.
3) Mọi chương trình do chính phủ tài trợ đều ngưng hoạt động (y tế, cảnh sát, an ninh, quốc phòng, giáo dục, cầu, đường, năng lượng v…v…). Quỹ hưu trí tan vỡ, nhà thương, trường học ngưng hoạt động.
4) Các thương vụ đóng cửa và nạn thất nghiệp tràn lan. Mọi mặt hàng khan hiếm kể cả nhu yếu phẩm. Giá cả tăng vọt. Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.
5) Nội loạn sẽ xảy ra và không có người để duy trì trật tự công cộng. Nạn đói và cướp bóc sẽ xảy ra. Hiện tượng vô kỷ luật, vô trật tự, vô tổ chức sẽ hoành hành.
6) Kẻ giàu có sẽ cuỗm tiền bạc quốc gia và trốn ra ngoại quốc.
Đó là trong ngắn hạn. Còn dài hạn thì con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ – có thể suốt đời, và nhiều thế hệ. Tiền trả các món nợ đó sẽ cướp đi cơ hội đầu tư để phát triển đất nước. Việt Nam tiếp tục đi giật lùi so với đà phát triển của thế giới, và có thể tiếp tục bị chi phối, khai thác, thao túng bởi những thành phần xấu trong cộng đồng dân tộc cũng như ngoại bang.
Giải pháp cấp cứu Việt Nam
Ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính quốc tế từ Hà Nội nhận định:
“Phải tìm cách hãm lại gánh nợ công, hãm lại đầu tư công, hãm lại những thứ gọi là những phí phạm trong vấn đề quản lý nhà nước, hãm lại những cái rút ruột công trình, hãm lại vấn đề cán bộ nhà nước không kiểm tra đầy đủ chi tiêu nợ công.”
Chuyên gia ngoài chính phủ trong & ngoài nước nhiều lần kêu gọi Việt Nam cải cách thể chế, công khai minh bạch và dân chủ trong kinh tế thì mới có thể phát triển kinh tế bền vững. Tham nhũng đi đôi với lãng phí và đầu tư không hiệu quả.
Cách tính nợ công khác thường của Bộ Tài chính Việt Nam và cách tính GDP của Việt Nam nhằm tạo một bộ mặt kinh tế tốt đẹp đã tạo ra nguy cơ lâu dài cho nền kinh tế. Thời báo kinh tế Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 7/8/2014 tại Hội nghị Đà Nẵng, nguyên văn: “Yêu cầu các tỉnh thành từ nay phải tính toán xác thực không tô hồng hay làm sai lệch vì trong những năm qua tỉnh thành nào cũng báo cáo GDP tăng trưởng 10% tới 15% nhưng GDP cả nước chỉ tăng từ 5% đến 7%.”
Theo các chuyên gia, cách tính GDP không xác thực dẫn tới sai lầm dây chuyền trong nền kinh tế, từ kế hoạch phát triển cho đến đầu tư sai lạc và dàn trải kém hiệu quả. Một đất nước với các chỉ số ảo về tăng trưởng GDP, nợ công không được công bố một cách đầy đủ và minh bạch thì khó có thể bảo đảm không có ngày vỡ nợ. Những khoản nợ công bị phung phí ngày hôm nay chính là gánh nặng cho các thế hệ Việt Nam mai sau (RFA).
Các đối sách ứng phó để tránh vỡ nợ chưa hề thấy Nhà nước Việt Nam đưa ra trừ việc cảnh giác nguy cơ và dự trù bán tài nguyên, thu thêm thuế và mượn thêm tiền để đảo nợ.  Các chuyên gia nhận định cần phải :
-          Thứ nhất, điều chỉnh ngay những khoản chi ngân sách. Hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ sử dụng ngân sách Nhà nước rất cao trong khu vực, so với phần trăm GDP và đấy là một gánh nặng đối với người dân.
-          Thứ hai, chi thường xuyên của ngân sách chiếm đến 72% tổng số chi, như vậy, chỉ còn lại 28%, mà 25% sẽ phải chi để trả nợ, như vậy, chỉ còn 3% để đầu tư, đây là điều hết sức đáng lo ngại, vì nếu như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể công nghiệp hóa cũng như không thể tăng trưởng với số vốn đầu tư quá ít.
-          Thứ ba, cần phải tái cấu trúc đầu tư công và phải có những biện pháp để giám sát và đầu tư công hiệu quả hơn. Cho đến nay, Nhà nước vẫn muốn trực tiếp tham gia vào mọi hoạt động kinh doanh, đưa đến tình trạng thua lỗ.
Theo Ts Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế trong nước, thì « Việc giải quyết vấn đề nợ công của Việt Nam đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách trước mắt và những biện pháp tái cơ cấu lâu dài, những điều đó đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải trải qua một cuộc cải cách hết sức mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn cả kỳ đổi mới cách đây 30 năm » (RFA).
Giải pháp đề nghị từ tác giả
Tác giả bài viết này xin đưa ra một số giải pháp cấp thiết và cải cách lâu dài, bao gồm:
Thành lập một Ủy Ban Cấp Cứu Nợ Công (UBCCNC) với các chuyên gia yêu nước để nghiên cứu các giải pháp thực tiễn, không phân biệt trong nước hay hải ngoại. UBCCNC hoạt động độc lập với Đảng và Nhà nước, và có toàn quyền giám sát, quyết định và đề nghị giải pháp.
Song song, thực hiện 3 yếu tố căn bản cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh, đó là :
Thiết lập hệ thống thanh tra độc lập/chuyên nghiệp, và nền truyền thông tự do/độc lập để bảo đảm « kiểm tra và cân bằng » (check and balances) hầu bài trừ tham nhũng và những hoạt động khuất tất, bảo đảm minh bạch/công khai sổ sách chi thu và các chính sách kinh tế.
Thiết lập một nền luật pháp nghiêm minh.
Thiết lập nền chính trị « tam quyền phân lập » để tránh tình trạng « mâu thuẫn lợi ích » (conflict of interest), xóa bỏ chính sách ưu đãi và đặc quyền/đặc lợi.
Ngay lập tức, yêu cầu mọi cấp chính quyền « thắt lưng buộc bụng », xong cần nghiên cứu để các khoản chi cho công ích xã hội không bị giảm làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đã quá khó khăn của người dân hiện nay. Hữu hiệu hóa các chi tiêu và đầu tư cho đúng người, đúng việc.
Cắt giảm tối đa hệ thống công an, cảnh sát, dư luận viên hiện nay đang được xử dụng dư thừa và vô ích để theo dõi và hành hung các nhà yêu nước.
Cải thiện guồng máy quan liêu, cồng kềnh, kém hiệu năng hiện nay.
Thay đổi tư duy về một nền « kinh tế thị trường dưới định hướng xã hội chủ nghĩa». Dẹp bỏ các công ty quốc doanh và tư hữu hóa các hoạt động kinh tế. Cần phải cải tổ nền kinh tế theo nguyên tắc kinh tế thị trường đúng nghĩa, không thể tiếp tục cấu trúc quái thai « KTTT dưới định hướng XHCN »
Hợp tác chân thành với các quốc gia dân chủ khắp nơi để thoát khỏi sự khuynh loát/lấn lướt cả về kinh tế lẫn chính trị của Trung Cộng.
Để thực hiện được những điều này, lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam cần cởi bỏ tư duy « thù nghịch » và « nghi ngờ » với bất cứ ai khác chính kiến hoặc cổ võ cho tự do/dân chủ. Cần có tư duy cấp tiến của thế kỷ 21 – cởi mở, chấp nhận mọi khuynh hướng, tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân, hợp tác để cùng tiến (win-win situation), thay vì lối suy nghĩ lạc hậu « ta-địch, thắng-thua » của thế kỷ trước.
Liệu những người trách nhiệm có can đảm làm một cuộc cách mạng « Tư Duy » để dân chủ hóa nền kinh tế, để dân chủ hóa đất nước, để cứu nguy Việt Nam và khép lại trang sử đen tối của dân tộc?
Trần Diệu Chân
Tiến sĩ kinh tế
Tổng hợp từ nhiều nguồn
22 tháng 11, 2014
Nguồn tham khảo: