Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Sự thật từ Đèn Cù đến quá trễ (phần 4)

Đọc tác phẩm Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh, nhà văn-người lính VNCH Phan Nhật Nam nói rằng mình cần viết ra những suy nghĩ về cuốn sách này và nỗi niềm của một dân tộc. Đây là một tiều luận dài nhiều tư liệu và suy nghĩ của nhà văn Phan Nhật Nam, do đó Dân News xin phép được chia thành nhiều kỳ để tiện theo dõi. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.


chimtroi
3.  Mao “nhều”/Mao “ít”..
Sau thời gian viết loạt bài Một và Hai về cuốn Đèn Cù. Người viết phải tạm ngừng vì lần ra đi của Người Bạn Nguyễn Xuân Hoàng – Nhân dáng điễn hình Kẻ Sĩ Miền Nam trước, sau 1975 ở trong nước, nơi hải ngoại. Người Bạn không lớn vì văn nghiệp-Văn nghiệp là gì khi con người đối diện cánh cửa tử/sinh với cơn đau cào xé từng tế bào nhỏ bị nhiễm độc?! Người Bạn cũng không lớn do quá trình đã đào tạo những thế hệ môn sinh, cao đồ lẫy lừng danh tính. Không, Bạn Chúng Ta – Nguyễn Xuân Hoàng là điễn hình mẫu mực của Những Thế Hệ/Một Thế Hệ/Kẻ Sĩ Miền Nam. Thế hệ với những con người bình thường dạy học/viết văn/làm báo với một tấm lòng chân thực trong giai đoạn 1954-1975 ở trong nước, và sau ra hải ngoại khi đã gánh chịu đủ tháng năm dài tù ngục không án lệnh/không tội danh từ chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa. Một chế độ mà hiện nay được cuốn Đèn Cù của Trần Đỉnh đốt lên một phần ánh sáng chiếu rọi. Nhưng thật ra chỉ là ánh sáng nhập nhằng lẫn quẩn của một cây đèn cù xoay quanh một trục Sự Thật Giả. Cũng vô tình, lần ra đi của Nhà Giáo/Nhà Văn/Nhà Báo Nguyễn Xuân Hoàng làm rõ ràng, chính xác thêm khi so sánh Thật/Giả- Nam/Bắc. Chúng tôi tiếp tục chứng minh.

Với lối hành văn của một người viết báo, viết sách chuyên nghiệp từ 1951, Trần Đĩnh dựng nên thế giới bát nháo xoay vòng như cây Đèn Cù của xã hội tệ hại, ác độc từ miền Bắc nói chung, của tập đoàn cầm quyền, giới viết văn làm báo Hà Nội trước 1975, của cả nước sau 1975. Đấy là lối hành văn tuyên truyền chính trị dùng để viết báo Nhân Dân cơ quan ngôn luận trung ương đảng cộng sản; lối viết sách hô hào chiến đấu gọi là chống thực dân Pháp trước 1954 (cuốn Bất Khuất/Trần Đỉnh  (?)); những chữ nghĩa gọi là chống đế quốc Mỹ trước 1975; chống  Ngụy Quân-Ngụy Quyền kể cả sau ngày 30 tháng 4, 1975. Loại sách, báo có lời văn và nội dung sau nầy được những “liệt sĩ” Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc..lấy làm khuôn mẫu viết nên những lời khí thế:  “Thằng Mỹ như thế nào?Tôi muốn đâm lưỡi dao vào trái tim đen đúa của nó..  Nguyễn Văn Thạc. Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi. NXB Thanh Niên, VN, 2005”.
Tuy nhiên khác hơn đám văn công máu me được khai sinh từ Hội Nhà Văn Hà Nội/Hội Nhà Văn Việt Nam sau 1975, Trần Đĩnh cao hơn vì ông được dẫn dắt vào nghề viết bởi Tổng Bí Thư Trường Chinh, Đặng Xuân Khu, tay lý luận hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam. Tổng bí thư  TC “giáo dục” anh thanh niên 21 tuổi Trần Đĩnh: “Làm báo phải phát hiện vấn đề. Đề xuất ý kiến.. Trường Chinh cầm bút giập đi chữ “nhật” thừa (Của bài xã luận có tiêu đề “Nhân ngày sinh nhật của Hồ Chủ Tịch”-Pnn ) rồi kéo từ đó ra ngoài lề bằng một đường thẳng mà anh cho tận cùng bằng một ốc sên, nói.. Chữ tắt nầy là chữ “d” của deleitur, tiếng La-tinh có nghĩa là xóa…  Còn gì của bài học Tổng bí thư trực tiếp dạy tôi buổi ngu ngơ nhập môn? Tinh thần không sùng bái, tinh thần được nhìn, phê phán xây dựng y như Tổng bí thư.. ĐC, Trg 23)  
Trời đất! Cho phép chúng tôi được kể ra một so sánh.. Bài học nhập môn của Tổng bí thư Trường Chinh dạy nhà văn/nhà báo trụ cột Trần Đĩnh là việc làm hằng ngày của thợ sắp chữ (thường lả trẻ vị thành niên) và giới thầy cò của các báo và nhà sách ở Sài gòn, nơi Miền Nam trước 1975. Hoạt động nầy được xem như một nghề thủ công/sửa bản vỗ cho nhà in trước khi đem đi đăng báo, in thành sách. Đám trẻ thợ sắp chữ và giới thầy cò Sàigòn không hề cần đến một ông thầy gọi là tổng bí thư đảng cộng sản.

Trở lại với Trần Đĩnh, từ buổi đầu “ngu ngơ” (chữ của TĐ), ông tiến nhanh trên nghiệp vụ, trở nên là người thân cận (thân cận nhất) của tập thể nhân sự cầm đầu đảng cộng sản.. Ông nghe tận tai lời của Trường Chinh (Nhân vật “ấn tượng” của TĐ suốt một đời dài cho dến hôm nay) nói về sinh hoạt tính dục của bản thân “..thì cũng dặn sách vở giáo điều thế thôi, chứ tôi ấy, mai bà Minh đây (chỉ bà vợ) đẻ,  tối nay tôi vẫn jusqu’au bout – đến cùng..” (ĐC, trg 26). Ông được chứng kiến và nghe kể trực tiếp từ người trong cuộc: “ Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À cái P.M. (Phương Mai) tự nhiên mang ba lô chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm..” (ĐC trg 30) . Trần Đĩnh còn đem chuyện riêng tư ăn nằm với phụ nữ của Hồ Chí Minh ra kể lại công khai để bảo đảm tính cách thân thích/chính xác đối với lãnh tụ “..Ông Bác chỉ tìm nạ dòng. “Sao lại thế”. Thấy Bác dại chúng tôi kêu lên. Thì được giải thích. “Thế là Bác khôn. Nạ dòng thì đỡ rầy rà hậu sự” (ĐC Trg32) .

Những chuyện “ bí mật/phòng the” của Hồ Chí Minh, Trường Chinh dẫu đã được Trần Đĩnh trình bày dưới những góc cạnh “thật thà” như trên vẫn chưa đủ để dựng nên cảnh tượng trân tráo của “đèn cù cộng sản Hà Nội”. Trần Đĩnh gắn thêm những con rối khác: Trước tiên là Tố Hữu, đệ nhất văn công của chế độ. Đây là nhân sự  nhờ đã viết những vần thơ rừng rực “thi khí” (Mượn chữ “văn khí” từ Ngô Nhân Dụng/Báo Người Việt khi tán tụng Trần Đĩnh) nên đã lên chức phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (phó  thủ tướng)  đảm trách nông nghiệp khiến dẫn đến tình cảnh cả nước gần chết đói sau 1975 khi đã tịch thu hết lúa gạo miền Nam trả nợ cho Tàu. Tố Hữu bị mất uy tín vì vai trò “nhà (làm) thơ (lại) đi làm kinh tế (trật)” qua những vụ khủng hoảng tiền tệ (1985), cải cách nông nghiệp (1981) nên bị miễn nhiệm mọi chức vụ, chỉ còn làm một chức nghiên cứu hình thức hờ. Tuy nhiên “thi khí” của Tố Hữu vẫn luôn luôn “cực kỳ” với những chữ/nghĩa mà Trần Đĩnh trong nhiều trang sách không dấu sự ghen ghét/ganh tỵ nên liệt Tố Hữu vào loại “Mao nhều” nặng nề nhất (sẽ nói rõ thêm về “Mao nhều” ở đoạn sau).

Năm 1953, Tố Hữu khi chưa là “Mao nhều” đã có màn kêu khóc: “Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi! Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một. Thương ông thương mười! “ để ngợi ca tên sát nhân thấm máu 20 triệu dân Nga và các sắc dân thuộc Liên Bang Sô Viết chết. Tố Hữu không khóc một mình, y có “đồng chí/bác vĩ đại” đồng tế: “..Một tối kẻng thình lình gọi toàn thể lên hội trường.. Thì Tố Hữu ủ rũ đi vào theo sau là cụ Hồ. tôi bỏ chỗ leo ngồi đàng sau lưng ông Cụ.. Tố Hữu bước lên sân khấu, cầm đè lên hai tay bưng một vật gì ấp vào ngực.. Tố Hữu mới từ từ quay lại nước mắt chan hòa trên mặt từ lúc nào. Trên phông màn đò hiện nên chân dung đại nguyên soái Stalin.. Tôi thấy bàng hoàng hơn là đau buồn.. Tôi vẫn bị khó chịu vì cái cảnh “đánh đố loài người” của Tố Hũu. Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ (cụ thể là hơn “tôi” đang ngồi sau lưng Cụ! TĐcả ở chỗ được biết sớm hơn hung tin, do đó được ưu tiên đau xót trước (Tội nặng hơn nữa là trước cả ”tôi” đang ngồi sau lưng Cụ! TĐ). Trước mặt tôi. Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay màu trắng lên lau nước mắt. Và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng, vì khóc, vì xúc động. (ĐC, trg 73-74).
Mấy năm sau, “thi khí” của Tố Hữu (khi đã bắt đầu thành Mao “nhều”) vượt biên giới Xô Viết, chuyển qua Trung cộng với: “Mao Trạch Đông! Mao Trạch Đông! Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng. Đẹp như một ngọn cờ hồng. Trên mặt người. Mặt đất mênh mông.” Hoặc: “Bác Mao tuy ở rất xa. Bác Hổ ta đó ấy là Bác Mao”. Hay:“Bên đây biên giới là nhà. Bên kia biên giới cũng là quê hương”(ĐC, trg 233). Thơ như thế quả thật rất xứng đáng với thành tích giết 50 triệu người Hoa (Có thể cao hơn nữa, tài liệu của nhà nghiên cứu Trung Hoa, Stuart Schram nêu ra con số 70 triệu –Pnn). Tệ hại hơn, Tố Hữu được Trần Đĩnh mô tả dưới dạng tướng, tầm tầm, vụn vặt ”..Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi .. Ca cẩm với Kim Lân.. Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, mệt quá! Mà hai hôm nay lại ăn toàn cơm với măng (ĐC, Trg 32). Hoặc cảnh ăn thịt chó của những tay đầu sõ, lẽ tất nhiên có mặt Trần Đĩnh vì bữa thịt chó là do tiền ăn mừng thành tích viết xong tiểu sử Hồ Chí Minh mà Trần Đĩnh được đến 400 đồng trong tổng số 900 đồng nhuận bút (Vàng 16 Đồng/Một chỉ) “..Mừng tiểu sử chính thức của Hồ Chủ tịch ra đời, Tố Hữu khao một bữa thịt chó thịnh soạn tại nhà.. Tố Hữu còn mời Nguyễn Chí Thanh (Thao) và Hoàng Tùng (Tổng biên tập lâu nhất của báo Nhân Dân  (1954-1982); Tùng cũng là một “Mao nhều” được TĐĩnh “luộc” rất kỹ. Dẫu Tùng là đồng nghiệp/đồng sự  với Đĩnh từ 1951-Pnn). (ĐC, trg172). Bữa tiệc thịt chó được mô tả sống động qua những trao đổi thủ thỉ ân tình “..Thao Thao (NcThanh) đưa Lành (Tố Hữu) chai dấm.. Lành, Lành đưa Thao chai vang.. (ĐC, trg 173). Cũng bởi Thanh là đối thủ của Giáp (gốc cộng sản Bắc Kỳ, có học đại học, cánh của TĐĩnh -Pnn) nên bị Đĩnh khinh thường xếp vào loại “Mao nhều” với những đặc chất: “.. Thao (NCThanh) đã luận thuyết hào hứng về thiên tài bếp núp dân tộc- đã thịt chó thì nhất định phải thằng bún đi với thằng mắm tôm.. Về chính trị, Thanh nghe Bắc Kinh nồng nhiệt hơn Giáp. Và ít ra lý lịch (của Thanh)  không dính đến đại học.“(ĐC, trg 173) . Nhưng Nguyễn Chí Thanh (ông tướng nông dân/chỉ thiếu chữ “vô học”- Cách TĐ gọi NcThanh- Pnn) ngoài khả năng uống sâm banh Moet & Chandon, ăn thịt chó, Thanh còn có những khả năng đa dạng khác.. Với những chức vụ quan trọng như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội miền Bắc (195); Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam (1965-1967) (bị thanh toán, không rõ nguyên nhân và thủ phạm, ngày 6 tháng 7, 1967 tại Hà Nội)..  Viên tướng gốc nông dân nầy phát động chiến dịch : “..Đánh phá ác liệt tiểu thuyết “Phá Vây” của Phù Thăng vì có câu: “Hòa bình là nguyện ước của vạn vạn con người” rồi tiểu thuyết “Vào Đời” của nhà văn quân đội Hà Minh Tuân..” (ĐC, trg 234-235). Không chỉ chỉ đạo sâu sắc trong mặt trận văn hóa/tư tưởng, nhân vật được mệnh danh “con người của những đột phá”, mang quân hàm đại tướng, Nguyễn Chí Thanh còn nâng cao khả năng lãnh đạo/nhận thức lên một tầm vóc mới: “Năm 1963, Nguyễn Chí Thanh có bài đăng trang nhất của báo Nhân Dân (Nhắc lại, Thanh là “ông tướng nông dân” theo cách đánh giá của TĐ, nói trắng ra là đồ “vô học”- Pnn) kêu gọi tiết kiệm lương thực.. Biện pháp duy nhất là bóp miệng lại. Thanh nay liệt bún vào bảng xa xỉ phẩm. Viết hẳn: Tại sao phải ăn bún!! (ĐC, trg 235). Cũng nên nhắc lại: Khi ăn thịt chó nhà Tố Hũu, chính Thanh đã một lần hùng hồn ca ngợi: “.. Thao (NCThanh) đã luận thuyết hào hứng về thiên tài bếp núp dân tộc- đã thịt chó thì nhất định phảithằng bún đi với thằng mắm tôm..“ (ĐC, trg 173). Tóm lại theo quan điểm chính trị sáng tạo của viên đại tướng quân đội nhân dân thì “thằng bún” đã tiếp tay cho Mỹ-Ngụy, là thủ phạm phá hoại nền kinh tế xã hộ chủ nghĩa! Tại sao Tướng Thanh mắc phải quan điểm tả khuynh sai trái như vậy? Trần Đĩnh gom chung vào một bọc –Bọn “Mao nhều” – Thủ phạm chính của bi kịch Việt Nam!
Sự sáng suốt của Trần Đĩnh sau nầy được Như Phong  “Là cựu Văn Hóa Cứu Quốc nhưng nay cũng đang ở danh sách, những người mê Mao, sùng bái Mao, Mao  “nhều”..  Cuối những năm 70, chính anh đã bảo tôi: Mầy nhìn rõ lão Mao rất đúng và rất sớm (ĐC, trg 235).
Đến đây, chúng ta có thể kết luận về “Phát hiện Mao nhều/Trụ cột của Đèn Cù ” của Trần Đĩnh và những tác động hậu quả, hệ quả của nó tại ngày trước và hôm nay .

Phan Nhật Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét