Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Cải cách ruộng đất


Bùi Lộc (bạn đọc Danlambao) - Đầu tháng Ba, 2012 vừa qua, nhân chuyến về tham dự Lễ Giỗ đầy năm của nhạc mẫu, tôi cùng anh chị em quyết trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Hà tĩnh, cái nôi của cách mạng “Xô viết Nghệ tĩnh 1932” và đồng thời cũng là cái nôi của “Cải cách Ruộng đất.”

Riêng tôi, tôi chưa được chứng kiến cảnh đấu tố này. Làng tôi chống cộng ngay từ những ngày đầu tiên nhờ Cha Xứ của chúng tôi, một người có đầy đủ kinh nghiệm về CS cà trên lý thuyết lẫn thực tế nên Ngài đã tìm mọi cách ngăn chặn cơn dịch này cho dân làng chúng tôi. 

Khi hiệp định chia đôi đất nước năm 1954, hầu như cả làng tôi đều vào Nam. Được trang bị vũ khí, nên các thanh niên trong tư thế chiến đấu khoảng 20 mét một người hai bên đường bảo vệ cho dân làng đi trong trật tự. Họ quyết nổ súng nếu có ai ra cản đường. Thực ra thì người làng bên cũng chẳng ai muốn ra chặn đường vì cả một ngôi làng rộng lớn cộng với những cánh đồng bát ngát trù phú để lại sắp vào tay họ. Tuy nhiên họ cũng kéo khá đông ra chứng kiến cảnh chúng tôi bỏ làng ra đi và thật may mắn không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. 

Còn lại mỗi ông địa chủ, tiếc nuối nhiều mẫu ruộng nên cuối cùng quyết định ở lại và người con trai duy nhất đã tham gia chiến đấu chống cộng đành phải ở lại theo bố. Thoạt tiên họ cho cả gia đình này đi chơi thoải mái, ra cả Hà Nội và cũng ghé qua Hải dương, nơi dân làng còn đang tạm trú trước khi đi Hải phòng xuống tầu vô Nam. 

Họ ra gặp dân làng bảo đừng vô Nam, trở lại làng đi vì cách mạng đối xử rất tốt, chính sách của nhà nước khoan hồng rất rõ ràng. Chúng tôi rất thoải mái, họ đến còn khuyến khích chúng tôi đi chơi chỗ này chỗ nọ sau thời gian tù túng vì chiến tranh. Họ nói nếu họ sống trong làng, họ cũng sẽ cầm súng chống lại cách mạng thôi. Tóm lại cách mạng rất thông cảm và hiểu hoàn cảnh từng người. 

Sau này chúng tôi được biết: Khi chúng tôi đã xuôi Nam, mọi chuyện cũng đã yên bề, sáu tháng sau, vào một buổi sáng, mấy anh du kích tới nhà ông địa chủ đọc lệnh và xách cổ ông và con trai ra đình làng bắn: Bố địa chủ, con phản động đã giết nhiều chiến sĩ cách mạng. Xin nói thêm anh con trai là một xạ thủ trung liên có hạng. Bao người trong làng đã khuyên bảo và năm nỉ gia đình cùng đi vì biết chắc một điều là họ sẽ không bao giờ tha cho gia đình ông. 

Hà Tĩnh có con đê lớn ngăn nước sông La để tránh lụt và có một hệ thống dẫn thủy cho các thửa ruộng phía bên này đê. Con đê khá lớn, người ta thường đi bộ qua lại và những bầy bò thủng thẳng gặm cỏ bên trên. 

Khi rời con đê ra cánh đồng, một hình ảnh đập ngay vào mắt tôi là một người đang cầy do bò kéo. Cái cảnh mà trước ngày di cư năm 1954, tôi đã từng chứng kiến thì nay qua hơn nửa thế kỷ cũng chưa thấy gì đổi khác. 



Cảnh cầy bò ngày hôm nay 


Tất cả anh chị em chúng tôi ra thăm mộ ông bà nội ngoại và những người thân khác. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, người anh trong họ giải thích cặn kẽ cho chúng tôi. Ông bà bị người ta tố cáo, đối xử ra sao. Chết tại nhà tù nào và phải bao lâu mới lấy được hài cốt. Cả ngôi mộ lớn gồm nhiều chiếc tiếu sành đựng hài cốt những nạn nhân bên dưới và tên được ghi rõ ràng trên mộ. Chúng tôi đứng yên lặng và nước mắt ai cũng lưng tròng khi nghe người trong họ kể lại những đau thương ông bà cũng như những người khác phải chịu. 

Ra khỏi nghĩa trang đến giữa cánh đồng. Tôi đang đứng tại cái nôi cách mạng và cũng là nơi những cuộc đấu tố tàn khốc đã diễn ra. Chẳng cần phải gợi chuyện, chỉ cần lắng nghe thôi cũng đủ để biết được những gì đã xảy ra ở đây. Đối với những người của thập niên 40 hay 50, còn nhiều người đang sống và ngay cả con cháu họ, những câu chuyện nó còn mới như vừa xảy ra. Những sự rùng rợn tàn nhẫn giũa con người với nhau và cách đối xử họ thể hiện sao nó khủng khiếp quá, không thể quên được. Đứng giữa cánh đồng là một bãi đất trống ngày nay là một tòa nhà lớn đang ngự trị. Họ chỉ cho tôi, cái nhà nằm trên bãi đất đó chính là nơi diễn ra những cuộc đấu. Họ dựng cọc, trói địa chủ vào, bần cố nông đến xỉa xói, chửi bới, nhục mạ, lấy gậy, lấy cây đập lên đầu. Có người sau đó bị xách đi bắn. Nhiều nơi khác, có người còn bị trói phơi nắng cho kiến cắn, ruồi bu đầy cho tới chết hay chôn sống. 

Nền building này, ngày xưa là bãi đất trống, nơi diễn ra những đợt đấu tố địa chủ.

Một thanh niên rất phấn chấn nói với tôi. Chúng em là con cháu địa chủ ngày trước bây giờ hầu như lên lại hết rồi. Chúng em đâu có tha thiết gì mấy sào ruộng đó làm gì. Thời của thị trường mà anh. Cần biết xoay xở là phất. Còn bần cố, đội ngũ tiên phong và trung thành với cách mạng, anh thấy đấy cũng chỉ biết bám lấy mấy thửa ruộng đó. Thỉnh thoảng mới có đứa ngóc lên được, còn hầu hết vẫn như xưa. Con cái địa chủ chúng em và con cái bần cố thường gặp, đụng trán nhau hằng ngày. Nhưng cũng thây kệ, việc ai nấy lo. Nhưng quên những hành động mất dậy, tàn nhẫn với ông bà cha mẹ chúng em, chúng em không bao giờ quên và chắc rằng những thế hệ sau chúng em, chúng nó cũng chẳng quên được đâu. 

Bước vào một căn nhà cổ, cột kèo đều bằng lim. Thấy tôi ngạc nhiên, người chủ ngôi nhà giải thích. Căn nhà này thực ra không phải của tôi. Nó thuộc về một địa chủ. Khi đưa ông bà ra đấu tố và tống họ vô tù, thì căn nhà này chia năm sẻ bẩy cho bần cố. Sống chung cũng không được, mà trả tiền cho những người khác để lấy luôn không ai có đủ tiền, mà có thân nhân cán bộ cũng không ai dám lòi tiền ra lúc này. Họ đành rỡ ra và chia nhau, người được hai cột, người khác một cột một kèo, người khác ba kèo chẳng hạn. Họ khuân về nhà để dành và hy vọng sau này kiếm chác thêm được để dựng lại thành một căn nhà mới. 

Người chủ này, chờ khi tính hình cũng đã lắng xuống mới đi dò la tìm mua lại dần dần và mới được dựng lại đây thôi chứ cũng chưa lâu lắm đâu. 

Một câu chuyện khác. Người con trai một bà bần cố đến gặp chúng tôi khi anh em chúng tôi đang thăm một gia đình thân bên ngoại. Anh vừa xuất hiện thấy mọi người vui mừng đón tiếp anh và ân cần giới thiệu anh với chúng tôi. Khi hiểu ra câu chuyện, chúng tôi rất xúc động và rồi sau đó kéo sang nhà anh chơi. 

Mẹ anh là một người làm công cho gia đình, trong khi mọi người đều tìm cách xa lánh địa chủ. bà lựa khi vắng không ai đề ý, bà lại gần chỗ giam giữ chửi rủa xối xả địa chủ, sau đó tìm cách đưa thức ăn cho ông bà, khi củ khoai, khi nắm cơm. Những người địa chủ bị giam giữ ngày đó cũng chẳng ai được thả về và họ chết dần chết mòn hết trong tù, trong đó có ông bà nội của anh chị em vợ tôi. 

Những sự giúp đỡ, những nghĩa cử của bà trong lúc mọi người tìm cách xa lánh đã được con cháu những người địa chủ, anh chị em chúng tôi hết sức trân trọng và biết ơn. Khi được chứng kiến tận mắt, được bắt tay, được “hug” anh trong vòng tay mình, Chúng tôi xúc động, cảm nghiệm được sự cao cà của lòng người. Thấy một tình cảm đặc biệt giữa anh và anh chị em chúng tôi. Nhìn vào mắt anh tôi thấy như anh có ý nghĩ ông bà nội chúng tôi cũng giống như của anh. Qua những gì tôi được biết thì mẹ anh đã được con cháu địa chủ thương yêu đùm bọc tới khi nhắm mắt. Bà cũng mới qua đời chưa lâu. Còn riêng anh, anh rất hãnh diện khi người ta nói về mẹ mình. 

Tại cái nôi cách mạng này, cũng có một điều hết sức trái khoáy đang xảy ra. Đối với cách mạng, với người cs, tôn giáo bằng mọi cách phải bị khai trừ, phải bị loại bỏ. Nhưng tại khu Đức Thọ này hay cả những vùng lân cận trong Hà Tĩnh này lại ngược lại hoàn toàn. Sau hơn nửa thế kỷ sống trong lòng cách mạng, tôn giáo đã không bị tiêu diệt, nhưng phát triển và phát triển rất mạnh. Đứng ngay trên con đê trước Đức thọ, ba ngôi thánh đường với tháp chuông cao đập ngay vào tầm mắt và rồi xa xa, đâu đâu cũng bóng dáng thánh đường như khi bước vào vùng Gia kiệm, Hố Nai của Miền Nam vậy. 

Chúng tôi đến một giáo xứ của một linh mục quen biết. Giáo xứ này đã phải khó khăn vất vả mãi mới kiếm được xác của hai vị linh mục chết dũ tù và mang về chôn trong khuôn viên thánh đường. Vừa đọc thấy tên vị linh mục trên bia mộ, nhà tôi và chị bà quỳ ngay xuống ôm lên mộ vì ngài là người đã rửa tội cho họ. 

Ra ngoài thành phố Vinh, cảnh buôn bán tấp nập, nhiều con cái địa chủ đang là chủ nhân ông của nhiều cửa tiệm lớn ở đây. Tới Đền Thánh Antôn, nơi nhiều bổn đạo tập trung về tham dự Thánh Lễ vào mỗi Chúa Nhật. Một chiếc chuông đồng lớn treo trên một cây trong sân. Hội trường rộng lớn với phương tiện vệ sinh cá nhân rất thoải mái. Một điều đặc biệt thú vị là có hai chiếc bảng lớn niêm yết các thông cáo và tin tức dân oan biểu tình khiếu kiện hay phản đối Trung quốc, về người Việt hải ngoại biểu tình hay thắp nến cầu nguyện khắp nơi trên thế giới yểm trợ những nỗ lực chống cộng của đồng bào quốc nội. Những bản tin niêm yết thường được lấy ra từ “Internet” có cả cờ VNCH dán kín hai chiếc bảng này 

Hai bảng thông cáo tại đền Thánh Anton 

Những thành quả tại cái nội cách mạng “Xô Việt Nghệ Tĩnh 1932” này đang bị âm thầm đào thải. Những người có nhân cách không bị chao đảo thời cải cách ruộng đất, được người ta kính trọng ghi nhận và trả ơn. Những bần cố trở mặt và bây giờ đang đụng đầu con cái địa chù hằng ngày, vẫn bị người ta khinh bỉ và ruồng bỏ. Những thánh đường bị san bằng hay làm nơi cách mạng hội họp hay kho lẫm hợp tác xã, ngày nay được trùng tu và nhiều nơi được xây lại lớn lao nguy nga hơn. Một trào lưu về nguồn đang âm thầm xảy ra nhưng mãnh liệt. 

Những sự tàn nhẫn, dã man của Chiến dịch Cải cách Ruộng đất cao ngất tới trời xanh, Ông Hồ cầm chiếc khăn tay chậm chậm nước mắt tỏ lòng thương cảm những nạn nhân đã được chụp hình và phổ biến đế người dân thấy bác luôn thương yêu nhân dân. Đồng thời ra lệnh cho Trường Chinh xin lỗi và hứa sửa sai. 

Giờ nghĩ lại, đây chính là chủ trương của bác và đảng. Những giọt nước mắt của bác đúng là nước mắt cá sấu, và sự xin lỗi hay hứa hẹn sửa sai đùng là của cuội. Cuộc Cải cách Ruộng Đất này chẳng phải vì bần cố hay công bằng xã hội gì cả, chỉ là một sự khủng bố có chủ trương gây sợ hãi và chia rẽ ngay trong mỗi gia đình để bác và đảng nắm trọn thân xác và linh hồn từng người để dễ bề sai khiến. Bảo nhảy vào lửa là nhảy ngay không chần chừ do dự. Nếu không có cuộc Cải cách Ruộng Đất này và Chiến dịch Nhân văn Giai phẩm, thì một điều chắc chắn bác và đảng không thể thắng được Miền Nam. Bác đã biến Việt Nam xinh đẹp trù phú thành một trong những nước rệp nhất thế giới, ngang hàng và đồng minh của mình là Bắc Hàn và Cuba. Những chiến công của bác vả đảng sắp đến ngày bị người ta đổ xuống sông và sẽ được ghi bằng những trang đen tối đau thương và nhục nhã nhất trong lịch sử Việt Nam. 


Bùi Lộc 



Tin Tức Liên Quan


A/


B/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét