Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Những ngày cuối cùng của Sài Gòn

Winfried Scharlau
Phan Ba dịch từ tuần báo DIE ZEIT, 26/04/1985, Số 18

Lời người dịch: Tiến sĩ Winfried Scharlau (1934 – 2004) là một nhà báo, tác giả và sử gia người Đức. Ông là phóng viên chiến trường trong thời gian của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ông đã từng bị thương ở gần vĩ tuyến 17. Năm 1974, chiếc máy bay trực thăng chở ông đã đáp trúng mìn. Winfried Scharlau là một trong các nhà báo Phương Tây cuối cùng đã rời Việt Nam trong tháng Tư năm 1975. 

Sài Gòn sợ chiến tranh hơn là sợ những người cộng sản. Mặt trận đã tiến đến gần; vào ngày 21 tháng Tư, Xuân Lộc thất thủ, pháo đài cuối cùng chận đường tiến quân vào thủ đô của các sư đoàn Bắc Việt từ phía Đông.

Xuân Lộc, ngày 13 tháng 4 năm 1975
Xuân Lộc, ngày 13 tháng 4 năm 1975

Tiếng “womp-womp-womp” của pháo binh, như Michael Herr sau này sẽ chuyển tải lại tiếng động đặc biệt đó một cách thơ mộng-to tiếng trong quyển Dispatches, đã có thể nghe được suốt ngày đêm. Nhưng tiếng “dit-dit-dit” của súng cá nhân, ngoại trừ vài ngày trong lần tấn công vào dịp Tết [Mậu Thân] 1968, đã dung tha cho người dân của Sài Gòn. Cho tới bây giờ, người Sài Gòn đã sống qua được chiến tranh; còn hưởng lợi từ nó nữa, và hưởng thụ những gia vị của một “xã hội Honda”, cái mà bây giờ có nguy cơ bị cuộc chiến phá hủy.

Về quân sự thì cuộc chiến đã ngã ngũ. Sau khi chiến dịch tấn công mùa xuân bắt đầu trên vùng núi, sau khi mất Ban Mê Thuột và Kontum, Tổng thống Thiệu và bộ tham mưu của ông đã hạ lệnh rút lui, điều đã dẫn tới bỏ chạy và hỗn loạn.

Chỉ còn những phần nhỏ của một quân đội được trang bị hiện đại gồm hơn nửa triệu người là còn muốn đứng ra chiến đấu. Lần di tản hỗn loạn ra khỏi vùng đồi núi chỉ thể hiện rõ cuộc khủng hoảng trong nội bộ của quân đội Sài Gòn. Tinh thần chiến đấu của quân lính đã gãy gục trong những tháng trước đó. Từ khi Mỹ cắt giảm viện trợ tài chính, từ khi ai trong miền Nam cũng đã hiểu, rằng Hoa Kỳ không cung cấp vũ khí và tiền tỉ dollar vô giới hạn nữa, và cũng không sẵn sàng hỗ trợ thêm một lần nữa với không quân và quân đội trong trường hợp khẩn cấp, chậm nhất là từ mùa thu 1974 thì con người, quân nhân và người dân thường, ai cũng chỉ muốn cứu lấy chính mình, và trước hết là việc đó. Người Việt nhìn thấy điều không thể tránh khỏi đang tiến đến gần. Khác với người Khmer trong Phnom Penh cách đó còn chưa tới 300 kilômét, những người ngay cả sau khi đại sứ quán Mỹ đã di tản cũng còn chiến đấu trên đường phố cho tới kết cuộc cay đắng cuối cùng, đa số người Việt nhìn thấy sự an toàn trong bỏ chạy. Ai còn muốn liều mạng sống của mình cho một việc đã thất bại rồi? Sự hỗn loạn đi cùng với lần sụp đổ của Nam Việt Nam có nguyên nhân sâu xa của nó trong nhận thức và lý trí của tập thể.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức


Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức

Vào ngày Xuân Lộc thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa, bảo đảm và đại diện cho trật tự cho tới giờ phút đó, tuyên bố từ chức. Vào buổi tối, ông đã thổ lộ niềm cay đắng của mình về nước Mỹ trong một bài diễn văn trên truyền hình. Thiệu lên án bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ Henry Kissinger đã không nhận ra, rằng hiệp định Việt Nam do ông ta thương lượng trong tháng Giêng 1973 đã dẫn miền Nam đi tới chỗ chết. “Ai cũng nhận ra điều đó, nhưng Kissinger thì không. Các cường quốc có lợi ích chung. Chúng tôi không có gì để hy sinh ngoài đất nước nhỏ bé này.” “Họ bán đứng Việt Nam cho người cộng sản”, Thiệu nói người Mỹ. “Thái độ vô nhân đạo của Hoa Kỳ là thái độ của một cường quốc trốn tránh trách nhiệm của mình.” Tổng thống Richard Nixon, Thiệu nói tiếp theo sau đó, đã “hứa trên giấy là sẽ giành cho đất nước mọi sự giúp đỡ cần thiết về quân sự và kinh tế trong trường hợp miền Bắc tấn công.” Giới hạn sự giúp đỡ của Mỹ là một hành động vô nhân đạo và đã dẫn tới cuộc rút lui khủng khiếp đó và tới nhiều tổn thất. “Tôi không bao giờ tin rằng”, Thiệu nói và khóc, “một người như Kissinger mà lại đưa dân tộc chúng tôi tới một số phận đáng sợ như vậy.”

Sài Gòn cảm động lắng nghe người tổng thống đã từ chức đó. Những xúc cảm mà ông biểu lộ trong lần xuất hiện cuối cùng này, điều mà nhiều người không hề nghĩ rằng ông có, đã để cho một sự thiện cảm nhất định nhú mầm. Nhưng đặc biệt là quyết định đi lưu vong của ông đã tạo hy vọng cho một lần ngưng bắn mới. Hà Nội và Mặt trận Giải phóng đã yêu cầu lật đổ Thiệu và “bè lũ” của ông như là điều kiện tiên quyết cho các đàm phán. Ngay tới Quốc Hội

 Mỹ cũng tuyên bố rằng chừng nào mà Thiệu còn nắm quyền thì chiến tranh sẽ kéo dài cho tới chừng đó. Bây giờ thì dường như đã có một lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Phó tổng thống Trần Văn Hương 71 tuổi tạm thời nhận lấy quyền lãnh đạo ở Sài Gòn. Người kế nhiệm, Thiệu cũng đã thông báo trước để lý giải cho lần từ chức của mình, sẽ đề nghị ngưng bắn và đàm phán.

Người dân đang chạy tỵ nạn ở Vũng Tàu,  21 tháng Tư 1975. Hình:  Pavlovsky/Sygma/Corbis
Người dân đang chạy tỵ nạn ở Vũng Tàu, 21 tháng Tư 1975. Hình: Jacques Pavlovsky/Sygma/Corbis

Dường như Sài Gòn lại có hy vọng mới. Những người làm việc cho người Mỹ hay cho một sứ quán của Phương Tây bao vây từ sáng cho tới tối những phòng lãnh sự để nhận thị thực cho họ và gia đình. Chạy trốn là giải pháp của một thiểu số, ngay cả khi những cảnh từ biệt đầy xúc động trước cổng vào phi trường có quyết định hình ảnh chung cho tới đâu đi chăng nữa. Người Mỹ vẫn còn chưa tỏ dấu hiệu, rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc di tản đông người. Phần lớn người dân trong phần còn lại của nhà nước Nam Việt Nam, cái bây giờ chỉ còn bao gồm những vùng đất hẹp quanh Sài Gòn và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng vào một điều kỳ diệu: hy vọng vào một tín hiệu đầy bí mật, cái có thể sẽ làm câm lặng pháo binh cộng sản đã vào vị trí có thể bắn tới Sài Gòn từ lâu, và dừng xe tăng lại, để trao tiếng nói cuối cùng cho các chính trị gia và nhà ngoại giao.

Rằng Phnom Penh đã bị Khmer Đỏ chiếm trước đây vài ngày, rằng chiến tranh đã tới gần cho tới mức có thể cảm nhận được, những việc đó đã không thể bóp nghẹt niềm hy vọng đang nhú mầm. Nỗi lo sợ trước trận đánh cuối cùng đã để cho ảo tưởng nở hoa. Kết cuộc của Sài Gòn là một chiến thắng của ảo tưởng.

Đội ngũ các nhà báo, những người bây giờ có thể thực hiện các chuyến đi ra chiến trường thật thuận tiện vào ban ngày, vì chiến tranh đã tiến gần tới mức có thể nghe được, được người Mỹ mời tới dự một cuộc họp trên quán rượu ở sân thượng của khách sạn cao tầng “Caravelle”. Thay cho các thông tin về chính trị và diễn tiến cuộc chiến là những chỉ thị “mật” cho trường hợp khẩn cấp, cho lần di tản bằng trực thăng. Có một chỗ tập trung được quy định trước cho các nhà báo, ở gần văn phòng UPI, gần cảng sông, có thể nhanh chóng tới đó được từ các khách sạn lớn “Caravelle”, “Continental” và “Majestic”. Tín hiệu, các nhà báo được tin tưởng thông báo, sẽ được phát qua radio vào ngày X. Trong trường hợp khẩn cấp, đài phát thanh của quân đội Mỹ, phát tin tức “every hour on the hour”, sẽ thêm vào câu: “The temperature is 105 degrees and rising”, tiếp theo sau đó là bài “I am dreaming of a white Christmas” của Bing Crosby. Người ta sẽ chờ quý bà, quý ông nhà báo tại địa điểm tập trung với nhiều nhất là một món hành lý.

(Còn tiếp)


Winfried Scharlau
Phan Ba dịch từ báo Die Zeit, số 18, ra ngày 26/04/1985:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét